Ngành đóng tàu Hàn Quốc khốn khó vì dầu rẻ

Hyundai Heavy Industries, Samsung và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering – những doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới về doanh thu, đang phải vật lộn với lượng đơn hàng sụt giảm, cạnh tranh ngày càng gay gắt và làn sóng bất mãn của công nhân, trong tình hình suy thoái kéo dài của cả ngành công nghiệp.

Đến năm 2013, những công ty này vẫn đang trên đà phát triển tốt, nhờ nguồn doanh thu từ những đơn hàng có liên quan tới năng lượng. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm đã khiến tình hình trở nên khó khăn hơn khi các công ty dầu mỏ quốc tế phải cắt giảm đầu tư, hủy hoặc hoãn các đơn hàng tàu khoan dầu và cơ sở vật chất cho khai thác ngoài khơi.

Chốt phiên hôm qua, giá dầu WTI đã giảm tới hơn 5% sau báo cáo cho thấy dự trữ dầu tại Mỹ tiếp tục tăng trong tuần trước. Hiện mỗi thùng dầu Brent có giá 60,69 USD. Trong khi đó, dầu WTI tại Mỹ chỉ còn 48,74 USD một thùng. Khoảng cách giữa hai loại dầu này đã được nới ra xa nhất từ tháng một năm ngoái.

ship-build-jpeg-3109-1425009846.jpg

Số đơn hàng sụt giảm đang khiến các hãng đóng tàu Hàn Quốc gặp rắc rối. Ảnh: Reuters

“Ba ông lớn trong ngành đóng tàu đã ra sức đẩy nhanh tiến độ dự án trong hai năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, họ cần giám sát chặt chẽ các dự án này do vốn lưu động và các chi phí có thể vượt dự tính trong quá trình thi công”, Lee Kyung-ja – chuyên gia phân tích từ Korea Investment & Securities cho biết

Nhưng giá dầu không phải nguyên nhân duy nhất dẫn tới tình trạng trên. Các công ty này đã quá ham nhận về nhiều dự án nhà máy điện và giàn khoan ngoài khơi để lấp đầy danh sách đơn hàng. Trong khi chính những dự án này lại mang về lợi nhuận thấp và gây thiệt hại kinh tế.

Hyundai chịu hậu quả nặng nề nhất, với khoản lỗ hoạt động ước tính vào khoảng 3,2 tỷ USD năm ngoái, dù đã dự phòng rủi ro thua lỗ. Công ty này giành được số đơn hàng mới trị giá 19,8 tỷ USD năm ngoái, nhưng số này chỉ đạt 67% chỉ tiêu cả năm.

“Để vượt qua thời kỳ khủng hoảng, vài năm qua, Hyundai đã nhanh chóng lấn sân sang các lĩnh vực khác. Nhưng chính sự mở rộng bất cẩn này lại đang đẩy họ vào những rắc rối hiện tại”, Angela Hong, chuyên gia phân tích từ Nomura cho biết.

Các công ty khác cũng chịu số phận tương tự. Lợi nhuận hoạt động năm ngoái của Samsung giảm 80%, xuống 183 tỷ won. Trong khi lợi nhuận ròng của Daewoo giảm 60% còn 81 tỷ won trong 9 tháng đầu năm ngoái.

Năm ngoái, Samsung có số đơn hàng mới thấp nhất so với các đối thủ khác, trị giá chỉ khoảng 7,3 tỷ USD, kém xa chỉ tiêu 15 tỷ USD. Daewoo là doanh nghiệp duy nhất đạt chỉ tiêu 14,5 tỷ USD nhờ thế mạnh trong việc sản xuất tàu chuyên chở khí hóa lỏng.

Hiện tại các công ty này đều đang chuyển hướng lại về công nghiệp đóng tàu, đặc biệt là tàu chuyên chở khí hóa lỏng và tàu container cỡ lớn, đồng thời thúc đẩy kế hoạch cắt giảm chi phí. Hyundai đã thay CEO vào tháng 9 và cắt giảm 30% số lãnh đạo cấp cao. Công ty cũng đã củng cố quy trình điều hành và đưa vào thực hiện hệ thống tính lương theo hiệu quả công việc nhằm tăng lợi nhuận.

Samsung cũng đang điều chuyển công nhân của mình và tìm cách sáp nhập lại với mảng cơ khí để tăng hiệu quả. Trong khi đó, Daewoo bán bớt những tài sản không cần thiết để tăng thanh khoản.

Các chuyên gia đầu ngành cho rằng tái cơ cấu là không thể tránh khỏi khi các công ty đóng tàu Nhật Bản đang mở rộng thị trường trong bối cảnh đồng yen yếu. Các doanh nghiệp từ Trung Quốc cũng đang đe dọa thị phần của Hàn Quốc với lợi thế nhân công rẻ và hỗ trợ từ Chính phủ.

“Với tình trạng này, khả năng đàm phán giá của các công ty Hàn Quốc có thể sẽ giảm. Điều này được kỳ vọng sẽ đưa họ quay lại giai đoạn 2012-2013 – sẵn sàng hi sinh lợi nhuận để kiếm đơn hàng”, bà Hong dự đoán.

Điểm sáng duy nhất là nhu cầu về tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vẫn tăng cao nhờ sự bùng nổ khí đá phiến Mỹ và dự án khí hóa lỏng ở Yamal (Nga). Các công ty đóng tàu Hàn Quốc chiếm tới 70% đơn hàng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng năm ngoái. Nhưng họ cũng đang mất dần lợi thế khi các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản thâm nhập thị trường.

Lao động trong nước cũng đang là một vấn đề nan giải, khi việc tái cơ cấu vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công đoàn. Năm ngoái, 18.000 công nhân của Hyundai đã tổ chức đình công lần đầu tiên sau 18 năm và hiện vẫn bất mãn với ban lãnh đạo về vấn đề tăng lương. Công đoàn ở Samsung và Daewoo tháng trước cũng đã có hành động phản kháng đòi tăng lương thưởng.

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng bất ổn lao động càng khiến các công ty gặp khó khăn, đặc biệt khi dư cung dầu mỏ tiếp tục diễn ra. Tồi tệ nhất không phải là lợi nhuận sa sút, mà là hoạt động kinh doanh khó có khả năng phục hồi bền vững do dự đoán về lượng đơn hàng ít ỏi năm nay.

“Các doanh nghiệp này sẽ phải mất vài năm nữa mới xoay chuyển được tình thế. Tạm thời, các công ty này không còn sự lựa chọn nào khác là cắt giảm chi phí và thu hẹp quy mô mới mong tồn tại”, Jeon Dae-chun – chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán Daishin cho biết.

Hà Tường (theo Financial Times)

Để lại một bình luận

0913.756.339