Bộ Tư pháp “thổi còi” thông tư của Bộ Xây dựng

Một thông tư của Bộ Xây dựng lại vừa bị Cục Kiểm tra văn bản (KTVB) quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có ý kiến vì diễn đạt thiếu rõ ràng. Theo Cục KTVB, điều này có thể gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cách đây đúng 1 năm, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2014/TT-BXD xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển nhà và công sở.

Sau đó, công dân Nguyễn Tri Hùng (ở Quận 2, TP.HCM) đã phản ánh đến Bộ Tư pháp về nội dung khó hiểu trong Thông tư.

Tại Trong Thông tư 02 có quy định: Sau khi người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với một số hành vi mà tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn “tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm” thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân đó về hành vi quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.

Trong khi đó, Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP lại quy định chỉ xử phạt đối với hành vi “tái phạm”.

Cục KTVB cho biết, theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, “tái phạm” là đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý.

“Vi phạm hành chính nhiều lần” là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.

Như vậy, “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm” đều có thể bị coi là “tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm” và bị xử phạt. Tuy nhiên, Khoản 8 chỉ áp dụng với trường hợp “tái phạm”.

Theo Cục KTVB, quy định tại Thông tư số 02 đã mở rộng hơn, gây nhầm lẫn giữa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” và “tái phạm”. Cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng điều này để xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần (không phải là hành vi tái phạm), gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề nghị Bộ Xây dựng tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp nói trên và thông báo kết quả cho Cục trong vòng 30 ngày theo quy định pháp luật.

Trước đó, Cục KTVB đã họp với đại diện các đơn vị có liên quan của Bộ Xây dựng (Vụ pháp chế, Thanh tra Bộ) và đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) về nội dung này.

Đây không phải là lần đầu, cơ quan của Bộ Tư pháp có ý kiến về Thông tư mà Bộ Xây dựng ban hành. Cũng cách đây khoảng 1 năm, Thông tư 16 của Bộ Xây dựng về “cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư” đã bị nhiều người dân phản ứng bởi quy định trái luật. Người dân ở các khu chung cư lên tiếng cho rằng Thông tư của Bộ Xây dựng đã “tạo điều kiện” cho chủ đầu tư “ăn bớt” diện tích căn hộ của họ.

Theo Luật Nhà ở và Nghị định số 71 năm 2010 quy định hướng dẫn về Luật Nhà ở, “phần diện tích thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư bao gồm: không gian, hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, sân thượng, khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái…”

Vậy nhưng, Thông tư và Văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng lại quy định: Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư…; diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ).

Về việc tính diện tích sàn căn hộ… Đối với phương thức xác định kích thước tính từ tim tường thì diện tích sàn căn hộ không phải trừ diện tích thuộc sở hữu chung.

Sau khi bị dư luận phản ứng và Bộ Tư pháp có ý kiến, Bộ Xây dựng đã phải ban hành Thông tư mới, sửa đổi nội dung nói trên.

Để lại một bình luận

0913.756.339