TP.Hồ Chí Minh: Những điểm nhấn hạ tầng đô thị

Một góc đô thị TP.HCM sau 1 năm duyệt chi nguồn vốn lớn
cho nâng cấp hạ tầng đô thị
Kỳ vọng mang tên “Metro”
Dự án Metro là một trong những công trình trọng điểm được UBND TP.HCM thuận chủ trương phê duyệt phương án hỗ trợ kỹ thuật từ tháng 4-2007. Chỉ riêng phương án hỗ trợ này đã ngốn nguồn vốn lên đến hơn 2,2 tỷ USD, trong đó đa phần là nguồn viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), còn lại Chính phủ, TP.HCM và các nhà đầu tư cùng đóng góp. Ban đầu, TP.HCM lên kế hoạch xây dựng các tuyến Metro đầu tiên để ưu tiên kết nối cùng các dự án xây dựng các tuyến vận tải có khối lượng lớn. Trong đó, cuối tháng 7-2014, liên danh nhà thầu Shimizu-Meada (Nhật Bản) đã cho động thổ gói thầu số 1b xây dựng tuyến tàu điện ngầm trong lòng đất từ nhà ga Nhà hát Thành phố đến nhà ga Nhà máy Ba Son dài 1,8km.
Gói thầu này trị giá 23,17 tỉ yên Nhật (tương đương 229,1 triệu USD), được coi là một hạng mục quan trọng để thi công dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7km. Tuy nhiên, do việc thi công hạng mục nằm hoàn toàn trong khu vực trung tâm thành phố với nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, tuyến Metro ngầm được dự báo sẽ hoàn thành sau 56 tháng thi công. Đây cũng là nhà ga Metro đầu tiên của thành phố và là tuyến đường sắt đầu tiên chính thức thi công trong năm qua. Trước khi dự án được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng tại sao không chọn việc xây dựng trước nhà ga ở Bến Thành là ga đầu của tuyến Metro số 1. Tuy nhiên, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng, công trình thi công trước nhà ga Nhà hát Thành phố được chọn là nhà ga thứ 2 để hoàn thành đồng bộ với dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ và dự án nâng cấp đường Nguyễn Huệ. Đây được coi là một trong những giải pháp đề phòng khả năng dự án bị “treo” lại, do quá trình nâng cấp đường Nguyễn Huệ phải đào xới đường mới gây nhiều lãng phí và ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh của người dân khu vực này.
Dù được tính toán rất kỹ lưỡng, tuy nhiên tiến độ thi công dự án đến nay cũng mới chỉ có tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là đang được triển khai thi công thực tế, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trước năm 2020. Tuy nhiên, tiến độ các tuyến còn lại được dự báo không khả quan. Trong đó, đối với tuyến Metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) dù đã khởi công hạng mục depot tại Q.12 từ tháng 8-2010, nhưng đến nay hầu như thi công rất chậm. Lý do quá trình giải phóng mặt bằng vướng vào các khu dân cư, trong khi vẫn gặp các vướng mắc về bồi thường, đền bù di dời giải tỏa dẫn đến các gói thầu khác vẫn chưa thể triển khai. Thậm chí, Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố thừa nhận việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án, trong khi đẩy nguy cơ “đội vốn” dự án lên cao.
Ngoài dự án Metro, năm 2014 cũng đánh dấu bước chuyển động về hạ tầng giao thông đô thị của TP.HCM, với việc khởi động hoặc tiếp tục triển khai một số công trình trọng điểm gồm: dự án cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 2 qua 8 quận, huyện) và dự án nâng cấp đô thị qua hầu hết các quận, huyện có kết nối với hệ thống cầu cảng và giao thông huyết mạch của thành phố.
Trong một động thái đẩy nhanh tiến độ dự án này, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM) đã nhanh chóng đưa ra quyết định cấm các loại xe bị cấm vào đường Nguyễn Huệ (Q.1) từ đầu tháng 9-2014. Đây là khu vực được dự kiến xây quảng trường trung tâm thành phố, đồng thời là điểm đặt nhà ga ngầm của tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Đáng chú ý, Thương xá TAX là một trung tâm thương mại lớn và lâu đời vào loại bậc nhất tại đô thị của miền Nam (hơn 130 tuổi) cũng buộc phải dỡ bỏ để thực hiện dự án tàu điện ngầm đầu tiên tại thành phố. Xung quanh việc tháo dỡ công trình này, hàng trăm ý kiến của các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và nhân sĩ, trí thức trên cả nước đã có đơn ký chung đề nghị thành phố bảo tồn lại một phần các kiến trúc cổ quý giá của công trình. Bởi công trình này không đơn thuần là giá trị công trình mà còn là địa điểm lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa đời sống đô thị. Cuối cùng, UBND TP đã phải thống nhất với đề xuất về việc bảo tồn một số hạng mục Thương xá Tax.
Do nhiều tính chất quan trọng như vậy nên lãnh đạo thành phố đã có nhiều động thái chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh thi công dự án nâng cấp, chỉnh trang tại khu vực này. Ông Nguyễn Hữu Tín – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM từng có phát biểu gây “bão” dư luận khi yêu cầu Sở GTVT và các đơn vị trực thuộc: “Làm không xong sẽ kỷ luật hết” khi trực tiếp đi thị sát kiểm tra tiến độ xây dựng dự án tại tuyến đường này vào cuối tháng 11-2014.

Công nhân thi công nhà ga ngầm thuộc tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên
Đổ vốn vào nâng cấp đô thị
Ngoài dự án Metro, năm 2014 cũng đánh dấu bước chuyển động về hạ tầng giao thông đô thị của TP.HCM, với việc khởi động hoặc tiếp tục triển khai một số công trình trọng điểm gồm: dự án cải thiện môi trường nước thành phố (giai đoạn 2 qua 8 quận, huyện) và dự án nâng cấp đô thị qua hầu hết các quận, huyện có kết nối với hệ thống cầu cảng và giao thông huyết mạch của thành phố.
Đối với dự án cải thiện môi trường nước thành phố, năm 2014, UBND TP.HCM quyết định chi tiếp cho giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 524 triệu USD (hơn 11.000 tỉ đồng), với mục tiêu giúp khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn, trong khi góp phần xử lý nước thải sinh hoạt lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước khi thải ra môi trường. Trước khi triển khai giai đoạn 2, thành phố cũng đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục cho thành phố vay 450 triệu USD triển khai dự án. Động thái này cho thấy quyết tâm cao của thành phố trong việc cải thiện môi trường nước tại các kênh rạch đang có nguy cơ ô nhiễm trầm trọng do hoạt động xả thải trái phép. Hiện nay, Lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (hơn 33km2) là nơi sinh sống của khoảng 1,2 triệu dân (chiếm 1/8 dân số thành phố), đi qua 7 khu vực quận trung tâm thành phố. Từ năm 1993, lãnh đạo thành phố đã cho triển khai giai đoạn 1 để cải tạo tuyến kênh này với nguồn vốn lên đến 8.600 tỷ đồng, trong đó đa phần là vốn ODA của WB. Đồng thời, để thực hiện dài hơi dự án này, thành phố đã quyết định di dời tới 7.000 hộ dân sinh sống ven lưu vực kênh. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án cải thiện môi trường của riêng lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ quản lý được hoạt động thu gom nước thải từ hàng chục ngàn hộ dân đưa vào tuyến cống bao trước khi được thải ra môi trường.
Ngoài việc chi vốn lớn cho cải thiện môi trường nước, điểm nhấn về hạ tầng đô thị trong năm 2014 phải kể đến hàng trăm khoản vay khác nhau cho dự án nâng cấp đô thị thành phố. Tại lễ tổng kết 10 năm dự án nâng cấp đô thị Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM ngày 19-12 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân lấy dẫn chứng từ chiến lược của TP.HCM để chỉ ra tác động rất lớn đối với kinh tế – xã hội thành phố từ dự án tổng thể này. Trong đó, Chủ tịch Lê Hoàng Quân sử dụng cụm từ “tác động đa chiều” để nói về sự đổi thay bộ mặt đô thị thành phố, nhất là việc cải thiện đời sống của các khu vực nghèo, nhất là các hộ dân ở các dòng kênh ô nhiễm kể từ khi khởi động dự án. Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM, đến nay thành phố đã hoàn chỉnh xây dựng khoảng 500km hệ thống thoát nước và nâng cấp 580km đường giao thông. Theo đó, đã có khoảng 30.000 hộ gia đình đã được hưởng lợi từ dự án, đặc biệt các hộ nghèo được cấp hàng trăm ngàn khoản vay để cải thiện chất lượng nhà ở và giải quyết việc làm.
Trong năm 2015, nhiều kỳ vọng giai đoạn 2 của các dự án cải thiện môi trường nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tân Hóa – Lò Gốm sẽ sớm được triển khai. Bên cạnh đó, Đại lộ Nguyễn Huệ được lãnh đạo thành phố chỉ đạo rốt ráo hoàn thành trước dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng sẽ lên “dây cót” đối với hạng mục nhà ga ngầm của tuyến Metro số 1, do nhà ga đặt trên trục khu vực vòng xoay của tuyến đường mang nhiều ý nghĩa đặc biệt này.

Lê Anh (Đại Đoàn kết)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339