Thách thức cạnh tranh khi tham gia FTA Việt Nam – EU

Tại Tọa đàm về tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Eu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra ngày 12/11, không ít doanh nghiệp trong nước lo ngại khó khăn từ chính nội tại của mình.

Ông Vũ Trường Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư hợp tác phát triển doanh nghiệp Việt Nam (Vinabic) thừa nhận thực tế nghiệp vụ xuất nhập khẩu và kỹ năng tiếp nhận thị trường của những doanh nghiệp xuất khẩu tại các địa phương còn rất hạn chế.

“Trong kinh doanh việc nắm rõ đối tác thị trường có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay các thông tin thiết thực về tiêu chuẩn môi trường và kỹ thuật  các nước trong khu vực EU lại rất khắt khe và khó tiếp cận”, ông Xuân cho hay.

Ngoài ra, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, muốn cung cấp sản phẩm cho thị trường EU phải biết đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng. Điều này vốn đã khó với doanh nghiệp trong nước lại càng khó với các đơn vị xuất khẩu tại địa phương.

bac-Tuyen-copy-5751-1415844784.jpg

“Doanh nghiệp tập trung vào các giá trị cốt lõi để xác định sản phẩm và sản phẩm mục tiêu”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nói.

Đồng tình quan điểm, ông Trần Đình Văn, Giám đốc điều hành Công ty Challenge Vision 360 cũng cho rằng thông tin cụ thể của đối tác EU chính là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong nước hiện nay khi tham gia thị trường EU.

“Làm thế nào để tiếp cận ngắn nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất với nhu cầu của thị trường EU. Các vấn đề sẽ xảy ra khi tiếp cận thị trường mới là gì và giải quyết  các sự cố như thế nào khi thực hiện các hợp đồng hoặc đàm phán với doanh nghiệp EU”, ông Văn lo ngại.

Chưa kể, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay do điều kiện kinh tế về tài chính khó khăn nên công tác quản trị ít được chú trọng, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính.

Theo ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án Mutrap, xuất khẩu của Việt Nam sang EU và chiều ngược lại đều phải đối mặt với những rào cản nhất định. “Dù vậy tôi vẫn nhấn mạnh, khi FTA Việt Nam – EU được ký kết thì lợi ích nhiều hơn là thách thức”, ông Dordi khẳng định.

Theo các chuyên gia, do quy mô của doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, công nghệ sản xuất thấp do vậy cần thiết liên kết với nhau để nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh về thị trường lẫn sản phẩm.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, yếu thế về vốn và công nghệ sẽ tạo áp lực cạnh tranh lên doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn. Cùng  đó sẽ có xu hướng dịch chuyển lao động khi một bộ phận người có trình độ cao tập trung vào các doanh nghiệp quy mô lớn làm việc do tâm lý, sẽ khiến các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn về vấn đề thu hút nhân lực.

Tuy nhiên ông Tuyển cho rằng “quy mô không bằng tốc độ”, một khi các doanh nghiệp được cho là “yếu thế” nắm vững xu thế này cộng với chiến lược kinh doanh đúng đắn có thể nhanh chóng trở thành một doanh nghiệp lớn.

“Phải xác định chiến lược phát triển của mình. Phải quan niệm chiến lược tăng trưởng chính là nâng cao sức cạnh tranh. Muốn vậy, doanh nghiệp phải trên cơ sở tập trung khai thác các giá trị cốt lõi để xác định sản phẩm và thị trường mục tiêu”, ông nói.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Tuyển chia sẻ có hai cách để cạnh tranh trên thị trường đã có đối thủ. Một là doanh nghiệp cần tạo ra sự khác biệt bằng cách có những sản phẩm mới ưu việt hơn. Hai là phải biết coi trọng quản trị tài chính.

Với cách thứ nhất ông Tuyển phân tích nguyên tắc quản trị tài chính khá đơn giản, tạo ra tiền nhiều hơn bằng cách sản xuất và bán nhiều hàng nhưng đảm bảo chi phí ít. Với cách này nếu kinh doanh hiệu quả thì có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán và thời gian đạt kết quả khá nhanh. Ở cách thứ hai, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng  phải tiết kiệm chi phí, tăng năng suất bằng cách sử dụng hiệu quả các yếu tố như: vốn, lao động, thiết bị, công nghệ và vật tư, cải thiện quản trị. Cách này thường mất thời gian nhưng tính an toàn cao hơn.

“Dù lựa chọn cách nào thì doanh nghiệp cũng nên chủ động lấy ngắn nuôi dài, dám chấp nhận mạo hiểm và có cơ chế đề phòng rủi ro. Ngoài ra, để an toàn và đủ sức mạnh các doanh nghiệp nên liên kết và hợp tác với nhau”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Thành Tâm

Trả lời

0913.756.339