Ông Vũ Viết Ngoạn: Đông Á chưa đủ sức đối phó tổn thương tài chính

Bên lề hội thảo quốc tế về “Ổn định tài chính và xu hướng tăng cường hợp tác tài chính trong khu vực Đông Á” tổ chức sáng nay (14/11), Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định hình thành một hệ thống ổn định tài chính cấp khu vực là cấp thiết khi cần hòa hợp về những quy chuẩn an toàn để phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu.

vu-viet-ngoan-7580-1415965213.jpg

Ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính nhận định một hệ thống ổn định tài chính khu vực sẽ giúp các nước, trong đó có Việt Nam tránh được thảm thương từ các cuộc khủng hoảng.

– Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khu vực Đông Á trong hệ thống tài chính toàn cầu?

– Trong 3 thập kỷ qua, châu Á, đặc biệt là Đông Á chứng kiến sự tăng trưởng thần kỳ, trở thành khu vực kinh tế, chính trị, an ninh quan trọng của thế giới. Đông Á, bao gồm cả Ấn Độ, Australia, New Zealand chiếm ¼ tổng GDP, hơn 50% tổng dự dữ ngoại hối toàn cầu và dự báo đến năm 2050 sẽ chiếm ½  GDP quốc tế. Đây cũng là khu vực có tiến trình hội nhập nhanh, trở thành lực hút quan trọng để Mỹ, EU và nhiều cường quốc trên thế giới chuyển trục sang đông bán cầu.

Tuy nhiên, sự hội nhập cũng như phát triển của hệ thống tài chính Đông Á chưa tương xứng với tốc độ, quy mô thương mại và đầu tư. Hiện tại, quy mô tài chính châu Á xét trên bình diện độ sâu, tức tổng tài sản của hệ thống tài chính so với GDP, thấp hơn 6 lần so với Mỹ và EU. Hệ thống quy chuẩn an toàn, giám sát hữu hiệu của Đông Á cũng phát triển chậm hơn khu vực khác.

Do vậy, cải cách tài chính Đông Á trở thành nhu cầu tất yếu của khu vực. Nếu không cải cách, Đông Á nói riêng và châu Á nói chung không thể trở thành động lực tăng trưởng của toàn cầu nếu tính tầm nhìn 20 – 30 năm tiếp theo.

– Để thực hiện cải cách này, theo ông cần thêm sáng kiến gì cho khu vực?

– Tại hội thảo về tài chính khu vực tháng 11/2012, các thành viên của ASEAN + 3 (10 nước thành viên và 3 nước Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã ra một công bố chung về việc cần thiết phải thành lập một diễn đàn ổn định tài chính Đông Á và khuyến nghị gửi công bố này đến lãnh đạo các quốc gia trong khu vực.

Riêng phía Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính đã thông báo đến Thủ tướng về kết quả của hội nghị, từ đó đặt ra sáng kiến Việt Nam nên tích cực tham gia. Đến nay, đề án đã được xây dựng và báo cáo sơ bộ lần đầu với Thủ tướng. Ủy ban giám sát tài chính cũng tổ chức lấy ý kiến các thành viên trong nhóm trù bị, gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ủy ban giám sát Tài chính và thành viên 5 nước là Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Thái Lan.

Dự kiến năm 2015, Việt Nam cùng nhóm trù bị này sẽ trình sáng kiến ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của ASEAN, sau đó là ASEAN +3 để đây trở thành sáng kiến chính thức của Việt Nam.

– Việc thành lập diễn đàn ổn định tài chính kinh tế Đông Á sẽ giúp gì cho kinh tế khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng?

– Hai cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1997 – 1998 và 2007 – 2008 đã để lại hậu quả nặng nề khu vực Đông Á nói riêng và toàn cầu nói chung. Chính từ bài học đau xót đó, khu vực Đông Á mới nhận ra tầm quan trọng của cải cách. Dẫu vậy, vẫn là chưa đủ để khu vực đối phó với những tổn thương. Nhìn lại cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2007 – 2008, khu vực Đông Á ít bị tác động hơn khu vực khác do thị trường tài chính chưa hoàn toàn hội nhập và cơn suy thoái không bắt nguồn từ nội tại.

Tuy nhiên, từ 2015, khi cộng đồng kinh tế chung hình thành, thị trường tài chính khu vực buộc phải phát triển. Nếu không tăng cường giám sát, ổn định tài chính, giả định có thêm những cú sốc như năm 2007 – 2008 thì chắc chắn khu vực Đông Á sẽ bị tổn thương nặng nề. Do đó, giám sát tài chính hết sức quan trọng. Đây cũng là nội hàm của ổn định tài chính, tránh cho khu vực, bao gồm Việt Nam khỏi những thảm thương của thời kỳ trước.

Ngoài ra, diễn đàn cũng là bước đệm để tránh rủi ro khi hội nhập sâu hơn. Trong khu vực, một số quốc gia đã có trình độ phát triển cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Malaysia, nhưng một số nước vẫn phát triển chậm. Ở bối cảnh tự do lưu chuyển vốn, nếu không có sự hài hòa giữa các nước trong việc áp dụng các chuẩn mực an toàn sẽ hết sức nguy hiểm, trở thành mối đe dọa cho hệ thống tài chính toàn khu vực.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã rút ra kinh nghiệm là hội nhập cần phải đi liền với cải cách trong nước. Nhiều nước đã thất bại khi cải cách trong nước quá nhanh mà lại e dè trong hội nhập, phát triển.

– Trong phiên họp trù bị với đại diện 5 nước thành viên ASEAN + 3, Việt Nam dự kiến đề xuất thêm vấn đề gì?

– Ngoài đề xuất bổ sung thêm nội dung chương trình, các thành viên còn kiến nghị có thêm đóng góp của cơ quan giám sát tài chính và khu vực tư nhân. Những ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán cũng là đơn vị chịu sự thực thi của chính sách, sẽ là không phù hợp nếu thiếu tiếng nói của họ. Hiện nay chúng ta cũng có Hội đồng doanh nghiệp Đông Á, song họ chỉ đề cập đến thương mại, đầu tư mà chưa đề cập đến tài chính.

Phía Việt Nam cũng đề nghị cần bổ sung thêm những cơ quan ban hành các chuẩn mực tài chính, như Basel II, Basel III để tranh thủ truyền đạt nhưng quan điểm, chủ trương đang diễn ra thế giới, giúp hệ thống tài chính khu vực kịp bắt nhịp xu hướng thế giới.

Phương Linh

Trả lời

0913.756.339