Ngân hàng Nhà nước nghĩ cách phát hiện ATM hết tiền

Sau khi Nghị định 96 về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 12/12, đã xuất hiện nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc của người dân về việc rất khó để biết được ATM nào hết tiền mà báo cơ quan chức năng xử phạt.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng không được để ATM hết tiền quá 4 giờ làm việc (đối với ATM nằm trong nội đô, thị xã, trung tâm huyện), hoặc quá 8 giờ làm việc (đối với ATM ở xa trung tâm) và một ngày nếu ngoài giờ làm việc. Trường hợp các ngân hàng không tuân thủ đúng quy định về thời hạn tiếp quỹ nêu trên, sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.

ATM-6542-1419407654-5639-1420011809.jpg

Căn cứ vào lịch sử giao dịch, Ngân hàng Nhà nước có thể xác định được máy ATM hết tiền hay là bị lỗi để tiến hành xử phạt. Ảnh: Bá Đô.

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân khi phát hiện máy ATM nào hết tiền trong khoảng thời gian nêu trên, hãy phản ánh về Ngân hàng Nhà nước để xử lý nghiêm. Hiện nay, các ngân hàng sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, giám sát ATM từ xa để kiểm tra tình trạng hoạt động của máy, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh (cảnh báo mức tiền tối thiểu để tiếp quỹ, cảnh báo ATM ngừng hoạt động…). 

Do đó, khi khách hàng khiếu nại, Ngân hàng Nhà nước có thể xác định ATM hết tiền hay bị lỗi thông qua kiểm tra nhật ký hoạt động của máy.

“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đã thành lập bộ phận thường xuyên giám sát tình hình hoạt động ATM trên địa bàn. Nếu phát hiện ngân hàng nào sai phạm thì Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền”, Ngân hàng Nhà nước nói.

Lệ Chi

0913.756.339