Ký EVFTA Việt Nam – EU: Việt Nam ‘lãi’ lớn

Ông Bùi Vương Anh – Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công Thương), Tham tán Thương mại – Đại sứ quán Việt Nam tại Italia đã nhận định như vậy trước thềm Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM 10) tổ chức tại TP. Milan (Italia) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

– Ông có thể điểm qua những nét chính về quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU trong một thập niên lại đây, khi Việt Nam bắt đầu hội nhập tích cực vào các hoạt động trao đổi thương mại với châu Âu?

– Ông Bùi Vương Anh: Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay ở châu Âu, đặc biệt là ở Ý, thì giới doanh nhân châu Âu lại càng nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ở những thị trường đang phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Quan hệ trao đổi thương mại giữa hai bên vẫn tiếp tục phát triển. Điều này cho thấy, cấu trúc trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đã được xây dựng trên những trụ cột vững chắc, không dễ bị xao động trước những trồi sụt kinh tế tài chính nhất thời.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang có chuyến thăm và làm việc tại EU nhân Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM 10) tổ chức tại TP. Milan (Italia) (ảnh TTXVN).

– Quá trình đàm phán để tiến đến ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA, đến nay đã trải qua 9 phiên đàm phán. Hiệp định trên sẽ tác động như thế nào tới quan hệ trao đổi kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU, thưa ông?

– EVFTA là một trong những hiệp định quan trọng đối với Việt Nam. Theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), sau khi hiệp định này được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng 20-25%.

Đối với Việt Nam, EVFTA mang lại lợi thế sau:

Thứ nhất, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư của các quốc gia thành viên EU vào Việt Nam.

Thứ ba, tạo ra những thuận lợi trong việc ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác khác của EU, củng cố sự cân bằng trong quan hệ kinh tế với các đối tác quan trọng và giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các nền kinh tế Đông Nam Á.

Thứ tư, nếu ký kết EVFTA diễn ra trước khi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN khác kết thúc đàm phán FTA với EU sẽ giúp Việt Nam đạt được điều kiện thuận lợi ngắn và trung hạn trong quá trình tiếp cận thị trường EU. Việt Nam sẽ có cơ hội để trở thành một tuyến đường thương mại quan trọng, cũng như điểm kết nối giữa các hoạt động kinh tế sản xuất ở Đông Nam Á với các nhà đầu tư EU, đồng thời có vị thế nổi bật trong các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN.

Về phía EU, qua EVFTA, các thành viên liên minh này có thể mở rộng thị trường sang Việt Nam và kích thích nền kinh tế của mình tăng trưởng.

Hơn nữa, đây có thể xem là bàn đạp để EU mở rộng các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do với các quốc gia thành viên ASEAN khác.

– Sau phiên đàm phán chót (lần thứ 9) vừa mới được tổ chức từ 22- 26/9 vừa qua ở Đà Nẵng – Việt Nam, cả hai bên đều hy vọng hiệp định nhanh chóng được ký kết. Theo ông, thời điểm nào sẽ ký kết EVFTA?

– Sau 9 vòng đàm phán, từ năm 2012 đến nay, các chuyên gia đàm phán cho hay kết quả rất thiết thực. Dự đoán, hiệp định sẽ được ký kết trong nội cuối năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2015.

– Theo quan điểm của một số doanh nhân Ý, một hiệp định thương mại tự do như thế có thể gây ra những tác động tiêu cực, gây bất lợi cho doanh nghiệp nước này. Thí dụ, hàng hóa sản xuất từ Việt Nam nhập vào Ý sẽ có giá rẻ hơn. Ông có thấy lo ngại này là có cơ sở?

– Như tôi đã nói ở trên, EVFTA là điều tất yếu của quá trình phát triển thương mại toàn cầu.

Nói như thế để thấy hiệp định trên không phải, lại càng không thể gây khó khăn cho bất cứ doanh nghiệp nào của Ý. Vấn đề là trong xu hướng hội nhập toàn cầu thì các mô hình kinh tế sản xuất của từng doanh nghiệp ở bất cứ đâu cũng phải chấp nhận những phương thức hoạt động mới. Nói nôm na ra như là một “new game”, trong đó mọi người phải chấp nhận đối đầu với những luật chơi mới.

– Có rất nhiều doanh nghiệp Ý đã đầu tư và xây dựng các cơ sở sản xuất hay xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Ông có thể cho biết một vài con số và mức độ thâm nhập của các doanh nghiệp Ý tại Việt Nam?

– Đến hết năm 2013, tổng giá trị thương mại hai chiều Việt Nam – Ý đạt được 3,48 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2012. Trong đó, hàng xuất khẩu của Ý sang Việt Nam đạt 1,18 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm 2012. Hàng Việt Nam xuất khẩu vào Ý đạt hơn 2,29 tỷ USD, tăng 115% so với năm 2012.

Hiện các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ý chủ yếu là linh kiện điện tử và điện thoại di động, giày dép, cà phê, thủy sản, máy vi tính, máy móc thiết bị, sắt thép và sản phẩn sắt thép, cao su và sản phẩn cao su, túi xách và sản phẩm du lịch, đồ gỗ.

Còn Ý xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị, thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu dệt may và da giày, dược phẩm và nguyên liệu dược phẩm, vải, hóa chất và sản phẩm hóa chất, xe máy và phụ tùng, sắt thép và sản phẩm sắt thép, chất dẻo và sản phẩm chất dẻo, sản phẩm điện tử và máy tính.

– Xin cám ơn ông!

PV (Vietnamnet)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339