Kiếm tiền từ sản phẩm công nghệ ‘Made in Việt Nam’

Cả 3 người đã “kết duyên” nhờ Robocon khi năm 2008 họ cùng tham gia đội tuyển Robocon BK_TNT của Đại học Bách khoa Hà Nội và giành giải nhất trường, giải nhất vòng loại khu vực miền Bắc. Đó cũng là thời điểm ý tưởng và mơ ước về một sản phẩm công nghệ “Made in Việt Nam” nảy sinh trong đầu 3 sinh viên trẻ. Nhưng làm sản phẩm gì, làm như thế nào vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Nguyễn Đức Tài (ngoài cùng bên trái), Nguyễn Tuấn Anh (thứ 4 từ trái sang) trong đội Robocon BK_TNT.

Rời giảng đường đại học, họ đi theo 3 hướng khác nhau. Nguyễn Tuấn Anh được nhận ngay vào vị trí kỹ sư trưởng bộ phận tự động hóa – mạng truyền thông của Công ty CP Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nguyễn Đức Tài trở thành kỹ sư của nhiều dự án trọng điểm quốc gia như thủy điện Sơn La, thủy điện Srepocks, thủy điện SongBung, thủy điện Bản Chát… Đàm Đắc Quang tham gia các dự án thiết kế, lập trình mạch điện tử trên nền tảng vi điều khiển.

“Công việc tốt, cơ hội ra nước ngoài cũng có, nhưng cả 3 anh em đều xác định đi làm thuê một thời gian ngắn để lấy kinh nghiệm vì ước mơ từ thời Robocon lúc nào cũng thôi thúc. Thế là chúng tôi quay về cùng nhau thành lập Lumi Việt Nam vào năm 2012 để hiện thực hóa ước mơ của mình”, Tuấn Anh chia sẻ. 

Những ngày đầu thành lập, công ty chỉ gồm 3 người trong căn phòng 20m2 vừa là nơi nghiên cứu, vừa là chỗ ăn ở. Lúc này nguồn điện ở Việt Nam chưa ổn định, người dân rất khó khăn vì mất điện thường xuyên. Ba anh em cân nhắc về ý tưởng làm bộ lưu điện và bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế hoàn thiện. Nhưng do chưa am hiểu thị trường, vốn kiến thức kinh doanh ít, nên đến lúc mang sản phẩm ra bán gặp nhiều khó khăn vì hàng Trung Quốc tràn ngập, giá rẻ, mẫu mã lại đa dạng.

“Sản phẩm làm ra rồi nhưng bán không ai mua, không ai mặn mà với tâm huyết của mình. Vậy là thất bại”, Nguyễn Đức Tài – Tổng giám đốc Lumi Việt Nam kể lại. 

Nhớ về những ngày đầu tiên, Nguyễn Tuấn Anh cho biết nhiều lúc 3 anh em không có đủ tiền để trang trải cuộc sống chứ chưa nói đến chuyện mua linh kiện để tiếp tục nghiên cứu. Cũng có lúc nản lòng nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ. Và rồi cơ duyên lại đến. Khi nghiên cứu tính năng của chip vi điều khiển của hãng Texas Instrument, một hãng điện tử nổi tiếng của Mỹ, Tuấn Anh rất thích thú với chức năng cảm ứng điện dung. Lúc đó công nghệ cảm ứng điện dung đang được ứng dụng rất rộng rãi trên các dòng điện thoại smartphone, sau đó là thị trường bắt đầu xuất hiện các sản phẩm ứng dụng cho nhà thông minh của các hãng ngoại nhập. Ý tưởng về công tắc chạm cảm ứng và các gói giải pháp tích hợp thiết bị điện cho nhà thông minh ra đời từ đó.

Ba người sáng lập Lumi Việt Nam trong lễ ra mắt thương hiệu.

Bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế, rất nhanh chóng sau đó, Lumi Việt Nam đã có sản phẩm mẫu. Nhưng bài toán lúc này lại là nguồn vốn. Để có vốn, ban đầu họ nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bố mẹ, anh em, họ hàng, sau đó kêu gọi đầu tư.

“Gia đình, anh em thì dễ vì họ quá hiểu công việc của mình nhưng kêu gọi cổ đông đầu tư nhiều khi chật vật lắm, để thuyết phục họ phải có kế hoạch phát triển sản phẩm rõ ràng… May mắn sau đó, Lumi nhận được sự ủng hộ của một số cổ đông chiến lược và có vốn để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường”, Đức Tài chia sẻ.

Có nguồn vốn và sản phẩm mẫu, họ tìm cách mở rộng quy mô sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nguyên tắc đầu tiên của Lumi Việt Nam là các linh kiện phải nhập chính hãng linh kiện của châu Âu, Mỹ như Texas Instruments, NXP semiconductor, On semiconductor, Vishay…, vốn là những nhà cung cấp cho các hãng lớn như Apple, Asus, Dell, HP…

Làm việc được với các hãng này đã khó, thuyết phục họ cung cấp linh kiện cho một công ty mới, quy mô sản xuất nhỏ càng khó hơn vì đơn hàng của Lumi quá ít. Không có linh kiện chính hãng sẽ không có sản phẩm chất lượng làm mẫu, phát triển sản phẩm bán rộng rãi trên thị trường. Để nhập được linh kiện, Lumi phải chứng minh cho họ thấy tiềm năng và thị trường của sản phẩm tại Việt Nam.

“Sau nhiều cuộc điện thoại, e-mail giới thiệu, gửi thư hợp tác… mà vẫn không nhận được hồi âm, chúng tôi vẫn kiên trì, nhẫn nại, một lần không được thì nhiều lần. Cứ tâm niệm như thế, sau bao lần nếm trái đắng cuối cùng đã nhận được quả ngọt”, Đàm Đắc Quang – Giám đốc sản xuất và là người chịu trách nhiệm đàm phán hợp tác với các hãng linh kiện kể.

Lô linh kiện đầu tiên nhập về thuận lợi, họ nhanh chóng bắt tay vào làm sản phẩm mẫu. Có sản phẩm rồi lại phải nghiên cứu sao cho sản phẩm thực sự sang trọng, hiện đại mà vẫn có thể dễ dàng thay thế, đảm bảo an toàn, tiết kiệm điện năng. Phải mất rất nhiều thời gian sau đó, sản phẩm công tắc chạm cảm ứng hoàn thiện đầu tiên mới ra đời. Thiết kế tinh tế theo phong cách Italy, mặt kính gia cường sang trọng, an toàn tuyệt đối với người sử dụng vì không sử dụng các tiếp điểm bật, tắt cơ thông thường; vòng tròn cảm ứng trung tâm tỏa sáng, khả năng tiết kiệm điện tối đa… Đó là những điểm ưu việt mà ít sản phẩm nào trên thị trường có được.

Sản phẩm công tắc chạm cảm ứng Lumi.

Để phát triển doanh nhiệp, họ tự phân công những lĩnh vực chuyên môn riêng để tạo thế kiềng ba chân vững chắc. Nguyễn Tuấn Anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính trong các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Nguyễn Đức Tài vừa đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc vừa kiêm công việc kinh doanh, nghiên cứu thị trường và các hoạt động xúc tiến phát triển thương hiệu. Trong khi đó Đàm Đắc Quang là Giám đốc sản xuất, tạo mối quan hệ hợp tác với hơn 20 nhà cung cấp linh kiện trên thế giới, xây dựng quy trình sản xuất hoàn thiện.

Đàm Đắc Quang cho rằng công tắc chạm cảm ứng sẽ trở thành một trào lưu, giống như việc ứng dụng các giải pháp cho nhà thông minh đang là xu hướng tất yếu cho các ngôi nhà hiện đại. Trong quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm, Lumi Việt Nam ưu tiên việc làm thế nào để các thiết bị của Lumi phù hợp với hạ tầng cơ sở điện nội địa. Chính vì vậy, sản phẩm có tính tương thích cao, phù hợp với đế âm thông thường trên thị trường. Việc lắp đặt đơn giản, các thao tác tương đồng với lắp đặt công tắc cơ bình thường. Mọi đơn vị xây dựng đều có thể thiết kế và thi công sản phẩm này môt cách đơn giản, dễ dàng.

Hiện tại, sản phẩm công tắc chạm cảm ứng và các gói giải pháp cho nhà thông minh của Lumi Việt Nam đã được sử dụng rộng rãi tại các chung cư, biệt thự cao cấp ở Hà Nội như Time City, Royal City, Madarin, Hoàng Thành Tower, khu đô thị An Khánh…

Minh Trí 

Trả lời

0913.756.339