Doanh nghiệp điện máy ‘chuyển mình’ trong cuộc đua mới

Chia sẻ với VnExpress, một đại gia lớn trong ngành điện máy cho biết, hiện thị trường điện máy ngày càng cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận dần teo tóp, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang có nhiều thay đổi. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, có rất nhiều đại gia bán lẻ thế giới nhảy vào thị trường Việt Nam. Mặc dù họ không chuyên về điện máy nhưng tất cả đều bổ sung sản phẩm này vào mô hình kinh doanh chung, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.

“Nắm bắt xu hướng này từ năm 2013, 2014 chúng tôi cũng đã khảo sát và thử nghiệm mô hình trung tâm điện máy trong trung tâm thương mại. Mới đây doanh nghiệp cũng đã cho hoạt động một trung tâm thương mại ở TP HCM”, vị này chia sẻ.

Lãnh đạo này cũng cho biết, với mô hình điện máy gắn với trung tâm thương mại, ngoài việc kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng thì đây cũng là cách để phát triển thêm ngách mới cho thị trường điện máy.

add_1420019867.jpg

Trung tâm điện máy ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: HĐ.

Cũng chọn hướng đi mới theo mô hình trung tâm điện máy, đầu tháng 12, thương hiệu điện máy Thiên Hòa vừa cho ra mắt một trung tâm mới ở quận 10 (TP HCM) với số vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, chi nhánh có quy mô hiện đại trên diện tích lên đến 10.000 m2. Đây là trung tâm mua sắm lớn nhất của đơn vị này từ trước đến nay. Tòa nhà này có 7 tầng trong đó có 5 tầng đã đi vào hoạt động kinh doanh với các nhóm ngành điện máy, đồ gia dụng, xe đạp, đèn trang trí gia đình.

Chia sẻ về việc ra đời trung tâm này, đại diện Thiên Hòa cho hay, xu hướng người tiêu dùng ngày càng hướng tới trung tâm có không gian mua sắm tiện lợi. Do vậy, việc ra đời trung tâm này là hướng đi mới trong việc mở rộng quy mô và “giành” thêm thị phần trên thị trường. Sắp tới, để đáp ứng thêm nhu cầu mua sắm tiện lợi của khách hàng, đơn vị cho biết sẽ đầu tư thêm khu vui chơi và ẩm thực tại trung tâm này. “Nếu bước khởi đầu với mô hình mới này thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm các trung tâm mới trong thời gian tới”, đại diện Thiên Hòa cho biết thêm.

Chưa đẩy mạnh sang hướng mới như 2 doanh nghiệp trên, nhưng ông lớn Thế giới Di động cũng không muốn bỏ lỡ cuộc đua này.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho hay, lợi nhuận của ngành điện máy đang ngày càng đi xuống. Năm 2014, dù lợi nhuận tăng mạnh, lãi có được từ hoạt động kinh doanh điện máy giảm dần. Không tiết lộ con số cụ thể nhưng ông Tài cho hay lợi nhuận điện máy chỉ chiếm trong khoảng 20-30% tổng lãi mà công ty có được.

Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang để ý tới các cửa hàng trong trung tâm thương mại và có thể sẽ bổ sung thêm vào trong chuỗi kinh doanh trong 2017. Tuy vậy, các cửa hàng tại đây sẽ không phải là nguồn thu chủ lực của công ty.

“Thế giới Di động sẽ không xây mô hình theo kiểu trung tâm thương mại mà chỉ thuê mặt bằng trong trung tâm để xem xét phản ứng của người tiêu dùng”, ông Tài nói.

Bởi lẽ, theo ông Tài người tiêu dùng Việt vẫn chưa chú trọng mua sản phẩm điện máy trong trung tâm thương mại. Hiện nay các đơn vị thử nghiệm mô hình này kinh doanh khá èo uột.

Bên cạnh đó, trong lúc bối cảnh kinh doanh ở các đô thị lớn TP HCM và Hà Nội đã chững lại, để tăng thị phần và doanh thu 2 năm kế tiếp, công ty sẽ đẩy mạnh phủ sóng các trung tâm điện máy tại các tỉnh thành địa phương.

Cụ thể, năm 2015, công ty này sẽ phủ sóng các siêu thị điện máy từ miền Trung trở vào Nam, chú trọng mở ở gần các khu công nghiệp, nơi có nhiều gia đình trẻ mới gây dựng sự nghiệp. Các đối tượng khách hàng này vẫn còn thiếu thốn nhiều thiết bị điện máy như tivi, máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh…

“Hiện nay các siêu thị điện máy mà Thế giới Di động mở ở một số khu vực miền Tây hoặc tỉnh lẻ khác có doanh thu bằng, thậm chí cao hơn các siêu thị trong thành phố lớn. Bởi lẽ, người thành phố quá đầy đủ tiện nghi, nhu cầu thay mới lại không nhiều nên doanh số đã đạt mức đỉnh và khó tăng trưởng thêm”, ông Tài giải thích.

Là đơn vị có thị phần lớn ở miền Bắc, nhưng những năm gần đây Công ty cổ phần thế giới số Trần Anh cũng gặp nhiều khó khăn khi lợi nhuận liên tục sụt giảm. Báo cáo tài chính quý III của đơn vị này cho thấy doanh thu tăng 13%, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại âm 8,4 tỷ đồng, kéo lãi 9 tháng âm 3,7 tỷ đồng.

Dù vậy, nhưng với sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, Trần Anh không thể “bình chân như vại”. Ngoài việc bổ sung thêm ngành nghề bán lẻ hàng hóa khác như mua bán xà phòng giặt, đồng hồ thì mới đây công ty cũng đi “nước cờ” mới khi mở siêu thị điện máy tại Nghệ An, bước đầu đánh dấu sự đặt chân của công ty vào khu vực miền Trung.

Hôm 27/12 Trần Anh mở thêm 2 siêu thị tại Hải Phòng và Hải Dương nâng số lượng hệ thống lên 16 cái. Không dừng lại ở đó, theo kế hoạch năm 2015, Trần Anh sẽ phủ kín các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với chuỗi 20 siêu thị điện máy, máy tính, điện thoại trước khi thực hiện kế hoạch phát triển kinh doanh tại TP HCM và các tỉnh Nam bộ vào những năm tiếp theo.

Như vậy, ngoài việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, chọn hướng khai thác mới thì việc đẩy mạnh kinh doanh ở các tỉnh lẻ nông thôn đang là bước “chuyển mình” giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và thị phần.

Nhiều doanh nghiệp điện máy cho rằng các tỉnh và khu vực ngoại thành là một thị trường ngách giúp công ty tìm kiếm thêm doanh thu khi mà các thị trường trọng điểm bão hòa. Đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp có được vị trí mặt bằng tốt, chi phí rẻ…

Tuy vậy, liệu hướng đi này có được như mong đợi khi mà nhiều doanh nghiệp đổ xô vào “mảnh đất” mới này? Theo một số chuyên gia trong ngành, một khi mảnh đất màu mỡ được đông đảo ông lớn trong ngành nhòm ngó thì việc chiếm lĩnh thị phần sẽ trở nên khó khăn và cuộc đấu quyết liệt lại bắt đầu. Nếu không có nguồn vốn lớn để bước đi vững chắc và tạo được niềm tin của người tiêu dùng thì số lượng các siêu thị đóng cửa cũng sẽ tăng lên và chỉ những doanh nghiệp nào có sức mạnh thực sự mới mong sống sót. Đặc biệt, thời gian tới thị trường có thể sẽ chứng kiến các cuộc mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực điện máy. 

Thi Hà

Trả lời

0913.756.339