Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: ‘Đổi mới thể chế quyết định tăng trưởng’

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là thành viên Chính phủ duy nhất tham gia phát biểu trước Quốc hội để tiếp thu và giải trình về đề án Tái cơ cấu nền kinh tế mà các đại biểu dành trọn một ngày (1/11) để thảo luận trước đó.

Cũng là người đứng đầu cơ quan chấp bút cho đề án này, tư lệnh ngành Kế hoạch thừa nhận 3 năm qua, nếu so với mong muốn và đòi hỏi của thực tiễn thì quá trình tái cấu trúc còn chậm. “Nhưng chậm là bởi mong muốn cao hơn, nhanh hơn; vì thực tiễn đòi hỏi phải làm tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng, quá trình này khởi động trong bối cảnh bắt đầu với nhiệm kỳ mới của Chính phủ, đúng thời điểm nền kinh tế ở đỉnh cao lạm phát, người dân mất niềm tin, nguy cơ đổ vỡ rất cao thì kết quả đạt được là đáng ghi nhận: Vĩ mô đã được kiểm soát, tăng trưởng nhích dần lên từng năm và đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực để tái cấu trúc hạn hẹp thì thành quả vừa qua là sự nỗ lực lớn.

bo-truong-Bui-quang-vinh-ZWGE-7913-14148

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng đổi mới cán bộ rất quan trọng với quá trình tái cơ cấu.

Dẫu vậy, Bộ trưởng cũng nhìn thẳng vào những bất cập khi thừa nhận chất lượng nền kinh tế có vấn đề, động lực tăng trưởng là vốn, tài nguyên cạn dần, trong khi năng suất lao động tăng chậm, cân đối vĩ mô bất ổn khi tiết kiệm đang giảm đi. “Phải đổi mới mô hình tăng trưởng, thể chế. Nếu không làm, tăng trưởng sẽ không cao”, ông nhấn mạnh.

Chia sẻ về một số quan điểm cho rằng nền kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng, Bộ trưởng cho biết nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng 8-9% trong những năm tới. “Tăng trưởng hay không đều nằm ở con người và thể chế. Đây là yếu tố quyết định tăng trưởng. Tôi tin Việt Nam có nhiều tiềm năng”, Bộ trưởng quả quyết.

Để đổi mới động lực thể chế, Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của Quốc hội khi nói rằng các đại biểu là người nắm chìa khóa mở ra cánh cổng này. “Ví dụ như trong tái cơ cấu đầu tư công, từ Chỉ thị 1792 của Thủ tướng năm 2011 đến khi ra được Luật Đầu tư công 2014 là một bước tiến. Do đó, cơ quan lập pháp rất quan trọng”. Ông Vinh đồng thời cho rằng không thể trách các địa phương chậm chạp trong tiến trình này, vì họ không phải người thay đổi được thể chế.

Tâm đắc với ý kiến đổi mới cán bộ của đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Bộ trưởng tái khẳng định “không đổi mới cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế”. Do vậy, đây phải được coi mục tiêu quan trọng của quá trình tái cấu trúc chứ không chỉ có 3 trọng tâm là đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước.

“Nếu để nguyên cán bộ thì làm sao đổi mới được doanh nghiệp Nhà nước, bởi nguyên lý đơn giản là không ai tự chặt chân mình. Tự mình đổi mới mình khó lắm”, Bộ trưởng tâm tư.

Chí Hiếu

Trả lời

0913.756.339