Biến chợ thành Trung tâm thương mại: Muốn chuyển đổi nên hỏi dân

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm
PV: Thưa ông lý giải vì sao chủ đầu tư chưa hỏi ý kiến dân đã “kéo” dàn khoan vào chợ. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho rằng vì theo quy định hiện hành chủ đầu tư muốn được cấp phép đầu tư, phê duyệt thiết kế bắt buộc phải thăm dò địa chất trả lời như vậy có thỏa đáng không, thưa ông?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: Trả lời như vậy là bao biện. Muốn dân đồng thuận, chính quyền, chủ đầu tư phải thông báo mọi chủ trương chính sách đến dân một cách minh bạch rồi mới có thể tiến hành các bước tiếp sau. Luật Quy hoạch năm 2010 đã quy định, bất kỳ dự án nào được tiến hành cũng phải hỏi đối tượng chịu tác động. Nếu dân chưa thông thì dự án không thể tiến hành.
Nhưng chính ông Bình có lập luận rằng không dẫn luật mới để tham chiếu những dự án đã được phê duyệt trước đây vì nếu theo luật cũ không cần hỏi ý kiến đối tượng chịu tác động dự án, điều này có đúng không, thưa ông?
Trả lời như vậy là sai. Sở dĩ phải có điều khoản hỏi ý kiến của người chịu tác động của dự án chính là để tránh khiếu kiện rắc rối về sau. Luật Quy hoạch năm 2010, Nghị định 37, 38 đều quy định rất rõ những dự án đang trong quá trình chuyển tiếp nếu đã được phê duyệt từ trước nhưng chưa triển khai thì sau này triển khai phải áp luật hiện hành. Bước lấy ý kiến của nhân dân là điều kiện không thể thiếu. Tất nhiên giờ thì chính quyền Quận đã phải rút kinh nghiệm, đã tạm dừng Dự án để trưng cầu dân ý, nhưng theo tôi nếu làm đúng trình tự từ đầu sẽ hay hơn, tránh những rắc rối không đáng có.
Sau những phản ứng của người dân giờ thì Quận Ba Đình đã hứa vẫn giữ lại chợ truyền thống, sau đó mới là xây TTTM nhưng có vẻ dân vẫn không đồng tình, tại sao vậy thưa ông?
Người dân chưa đồng thuận vì họ chưa tin vào mô hình chợ-TTTM mà Hà Nội đã làm thời gian qua hiệu quả rất thấp. Họ không muốn đi vào vết xe đổ của những chợ Cửa Nam, chợ Bưởi trước đây, hoành tráng nhưng không có khách. Tôi nghĩ rất nhiều người có cùng suy nghĩ giống tôi muốn giữ lại chợ truyền thống. Chợ truyền thống đây là một nét văn hóa, một không gian công cộng, nơi giao tiếp mang đậm đặc trưng của không chỉ người Thăng Long, đất Kẻ Chợ mà còn mang dấu ấn chung của người Việt Nam.
Nhìn lại một số thực trạng chợ thì với vai trò là người đã từng làm quản lý, đã từng xem xét về mô hình xây dựng chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da và cả mô hình chợ Mơ, chợ Đồng Xuân… tôi thấy rằng, đó là mong muốn của khu nội đô văn minh lịch sự, nhưng khi chuyển hóa chợ truyền thống sang TTTM luôn luôn đặt vấn đề phải gìn giữ không gian chợ truyền thống.
Rất tiếc, trong quá trình xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng, các cơ quan quản lý không thực hiện được như người ta mong muốn, như mục tiêu mà mô hình chợ – TTTM đặt ra. Ví dụ như khi xây dựng chợ Cửa Nam đã đặt vấn đề tầng hầm có tuyến đường thông từ phố Cửa Nam sang phố Lê Duẩn để phục vụ cho đời sống người dân, có thể đi bộ hoặc thậm chí đi cả xe máy, xe đạp qua, ghé lại mua mớ rau. Không thể vì mua mớ rau mà người ta mất tiền gửi xe được. Hay như Chợ Hàng Da, đặt vấn đề là phải tạo ra các ki-ốt xung quanh gắn với các tuyến vỉa hè hợp lý để kinh doanh, nhưng hiện nay thì rất ít người kinh doanh, đa số bỏ không.
Hay như cái chợ mà hiện nay người ta đang ca ngợi, đó là chợ Mơ. Chợ này là một chợ truyền thống đặc trưng, gắn với danh nhân và đặc thù của cả khu vực quận này. Lúc đầu, chọn mô hình để khai thác hiệu quả quỹ đất bằng cách xây dựng văn phòng, xây dựng siêu thị nhưng vẫn đặt ra không gian để gìn giữ chợ truyền thống là chim, hoa, cây cảnh và đặc biệt là đặc sản Rượu Mơ. Nhưng cuối cùng, khi đưa vào đầu tư thì họ chỉ khai thác đất trống, còn phần đất phải đền bù cao thì không thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, cho nên bây giờ tự dưng lại “sáng tạo” đưa chợ truyền thống vào tầng 1. Vậy thì điều đó có hợp lý với người dân hay không? Theo tôi thì không hợp lý. Rõ ràng nó đã phá vỡ toàn bộ mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra ban đầu.
Đối với chợ Thành Công cũng như vậy. Chợ Thành Công là mô hình mà trao đổi thương mại gắn chặt chẽ với người dân, đặc biệt là với mức thu nhập. Từ bài học kinh nghiệm của các TTTM trên, chúng ta có nên xây dựng ở khu vực chợ Thành Công một TTTM rồi lại gắn cái chợ vào trong không? Hay là chúng ta nên có một mô hình khác hợp lý hơn?
Như ông nói thì rõ ràng cần giữ lại chợ truyền thống nhưng Hà Nội có tính làm cả 1.000 siêu thị và rất nhiều TTTM ý kiến của ông về vấn đề này?
Việc Hà Nội đề xuất ra gần 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại là vấn đề cần phải xem xét kỹ bởi nó tác động đến việc thay đổi cấu trúc phân khu chức năng của Hà Nội, thay đổi đến quỹ đất sử dụng của Hà Nội, và đặc biệt là liên quan đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Hà Nội đang phát triển như vậy, mặc dù thu nhập bình quân gấp 1,5 lần so với trung bình của cả nước, nhưng chúng ta vẫn đang ở mức thu nhập trung bình, mà nhu cầu của người dân thì không phải là tất cả đều muốn vào siêu thị mặc dù có những yêu cầu về quản lý thực phẩm khác nhau.
Trân trọng cảm ơn ông!

Lục Bình (Đại Đoàn kết)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339