Thời cơ lớn từ cuộc khủng hoảng dầu

Thông thường, việc hoạch định chính sách kinh tế liên quan đến những thay đổi nhỏ ở nhiều khía cạnh. Các chính trị gia thường tranh cãi nảy lửa về những sửa đổi dù là nhỏ xíu về chính sách thuế và chi tiêu ngân sách.

Tuy nhiên, thế giới cũng từng chứng kiến những thay đổi lớn có ý nghĩa quan trọng. Từ chính sách mở cửa thị trường của Đặng Tiểu Bình (Trung Quốc) năm 1978 đến việc Ba Lan thông qua “liệu pháp gây sốc” năm 1990, các chính trị gia dũng cảm đã biết cách tận dụng “thiên thời, địa lợi” để tiến hành cải cách đất nước. Giờ đây, thế giới cũng đang đứng trước cơ hội “nghìn năm có một” như vậy.

Economist cho rằng giá dầu lao dốc cũng như những tiến bộ về năng lượng sạch đã mang đến cho các chính trị gia trên thế giới cơ hội thay đổi chính sách năng lượng. Giờ đây, họ có thể thoát khỏi gánh nặng trợ cấp hàng tỷ USD, đặc biệt là cho nhiên liệu bẩn, đồng thời chuyển sang đánh thuế carbon. Tương lai sử dụng năng lượng sạch hơn và rẻ và bền vững hơn đang nằm trong tầm tay.

oil-9387-1421812195.jpg

Giá dầu thô thế giới đã lao dốc hơn một nửa trong hơn 6 tháng qua. Ảnh: Reuters

Lý do rõ ràng nhất khiến ta có thể lạc quan là sự lao dốc của nhiên liệu. Không chỉ giá dầu giảm một nửa trong 6 tháng qua, mà giá khí đốt cũng chạm đáy một thập kỷ. Ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ giá dầu sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp. Những cuộc đối thoại giữa các công ty về các cuộc sáp nhập khổng lồ trong ngành dầu mỏ cũng báo hiệu sắp có một cuộc cải tổ.

Bên cạnh đó, giá của các dạng năng lượng sạch cũng đang giảm dần. Công nghệ mới cho phép kiểm soát tốt hơn việc tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Điều này sẽ giúp giảm thiểu lãng phí và do đó cắt bớt chi phí. Trong nhiều thập kỷ, câu hỏi hóc búa về năng lượng chính là liệu thế giới có thể sản xuất đủ năng lượng, dưới bất kỳ hình thức và giá cả nào. Nhưng giờ đây, thách thức mà chúng ta phải đối mặt là làm thế nào để quản lý năng lượng dư thừa.

Sự dư thừa đã đem lại cơ hội cải cách. Có quá nhiều nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng từ những chính sách năng lượng được tạo ra do nỗi sợ hãi về nguồn cung. Dù công nghệ bẻ gãy thủy lực đã giúp tăng sản lượng dầu mỏ của Mỹ thêm gần 70% chỉ trong 4 năm, quốc gia này vẫn cấm xuất khẩu dầu và hạn chế xuất khẩu khí đốt. Họ vẫn còn lo ngại cú sốc giá dầu thập niên 70.

Ở châu Âu, tình hình khác hơn một chút, khi hàng tỷ USD được rót vào các dự án năng lượng gió và mặt trời. Nhưng sự rút lui quá vội vã khỏi lĩnh vực điện hạt nhân của Đức lại giúp thúc đẩy ngành than đá của Mỹ và khí đốt của Nga.

Chính sách cải cách trực tiếp nhất chỉ đơn giản là xóa bỏ tất cả các khoản trợ cấp phục vụ sản xuất hay tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Năm ngoái, chính phủ nhiều nước trên toàn thế giới đã chi khoảng 550 tỷ USD để làm những việc từ trợ giá xăng dầu ở các nước nghèo, đến khuyến khích các công ty tìm kiếm mỏ dầu. Chính những khoản trợ giá ấy đã dẫn đến việc tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, là nguyên nhân của 36% trong tổng lượng khí thải carbon giai đoạn 1980-2010.

Vì vậy, giá dầu giảm là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách xem xét lại những hành động vô lý này. Những quốc gia đang phát triển luôn thiếu tiền như Ấn Độ và Indonesia đã cắt giảm trợ cấp xăng dầu. Nhờ đó, ngân sách dư ra một khoản kha khá để đầu tư vào bệnh viện và trường học. 

Thế nhưng, những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong nhóm nước nghèo, cũng chính là những quốc gia trợ giá nhiên liệu nhiều nhất, lại không đi theo xu hướng này. Giá xăng ở thành phố Caracas (Venezuela) vẫn chỉ có vài cent một lít suốt 20 năm nay.

Trong khi đó, các nước giàu vẫn tiếp tục bảo trợ ngành sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Tại sao người Mỹ lại phải trả tiền cho Exxon để làm việc này? Tất cả những chính sách trợ giá này nên được bãi bỏ.

Đây mới chỉ là sự khởi đầu mà thôi. Các chính trị gia đều không muốn nâng mức thuế nhiên liệu hóa thạch trong những năm gần đây vì họ cho rằng nhiên liệu tăng giá sẽ khiến việc đi lại và sưởi ấm nhà trở nên đắt đỏ. Nó sẽ không chỉ làm người dân căm phẫn mà còn gây tổn hại đến nền kinh tế. Thế nhưng, khi giá xăng dầu và khí đốt rẻ đi từng ngày, cái cớ đó không còn nữa. Thu thuế cao hơn sẽ giúp ngăn chặn biến động giá cả trong tương lai, đồng thời tạo cơ hội cho Chính phủ có thêm thu nhập.

Economist cho rằng tất cả phải bắt đầu từ thuế xăng dầu. Từ năm 1993, Mỹ đánh thuế xăng dầu ở mức chỉ 5 cent lít. Bên cạnh đó, sẽ còn tốt hơn nếu các nước thu thuế khí thải carbon. Việc đốt cháy nhiên liệu không chỉ làm tổn hại Trái Đất mà còn cả sức khỏe con người. Tiến hành thu thuế carbon sẽ khiến các công ty năng lượng cũng như người tiêu dùng chuyển sang dùng nhiên liệu sạch. Thêm vào đó, khi giá nhiên liệu giảm, thuế carbon sẽ không bị ảnh hưởng nhiều về mặt chính trị như trước nữa.

Năng lượng giá rẻ hơn tạo cơ hội để hợp lý hóa các chính sách năng lượng của thế giới. Chính phủ có vai trò hợp pháp trong việc đảm bảo nguồn năng lượng dồi dào, sạch và an toàn. Nhưng họ cũng cần phải ý thức được sự khác biệt giữa việc đặt ra mục tiêu và việc quyết định làm thế nào hiện thực hóa mục tiêu đó. Thuế carbon là phương án hiệu quả nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thay vì trợ cấp cho cối xay gió và các nhà máy hạt nhân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh ung ứng năng lượng, các Chính phủ nên khuyến khích phát triển thị trường năng lượng toàn cầu. Việc phá vỡ các rào cản, chướng ngại vật cũng quan trọng không kém ngừng trợ cấp. Càng nhiều đường ống dẫn dầu và dây cáp điện càng tốt. Mỹ nên cho phép lắp đặt đường ống Keystone XL và gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Còn các chính trị gia châu Âu nên tạo điều kiện cho việc khai thác dầu mỏ và khí đốt đá phiến trong lãnh thổ của mình. Nếu làm được những điều trên, thế giới sẽ có một tương lai năng lượng xanh và hiệu quả hơn.

Thanh Tuyền

Trả lời

0913.756.339