Quản lý không lưu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng

Sau nhiều sự cố liên tiếp về hoạt động quản lý không lưu gần đây, Tổng công ty Quản lý bay (VATM) – đơn vị điều hành các hoạt động quản lý bay được nhiều người để ý. Là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, VATM được thành lập từ năm 1993 sau khi tách khỏi Tổng công ty Hàng không Việt Nam. So với các doanh nghiệp khác trong ngành, VATM có kết quả hoạt động kinh doanh khá tốt, năm sau cao hơn năm trước.

Hiện nay, vốn điều lệ của VATM ở mức 2.552 tỷ đồng, gần bằng Tổng công ty Cảng hàng không (ACV – 2.567 tỷ đồng) và kém xa so với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – 14.102 tỷ đồng).

Kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của VATM vượt trội so với năm ngoái, với tổng doanh thu đạt 909 tỷ đồng, bằng 50,09% kế hoạch cả năm và 53% kết quả năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm đạt 259 tỷ đồng, bằng 55,67% kế hoạch cả năm. 

Tan-son-nhat-5251-1417163477.jpg

Đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ tháng 6/2013. 

Doanh thu của VATM đến từ 3 nguồn chính là thu phí điều hành các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam, phí điều hành các chuyến bay đến Việt Nam và phí điều hành nội địa. 

Do là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích (bảo đảm hoạt động bay), VATM có nghĩa vụ nộp một phần phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Từ năm 2012 trở về trước, mức nộp ngân sách là 75% nguồn thu từ phí điều hành bay qua. Từ 2013 trở đi, tỷ lệ nộp được giảm xuống còn 65%, doanh nghiệp giữ lại 35%. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của VATM năm 2013 tăng gần gấp đôi so với 2012 lên 502 tỷ đồng. 

Dù đã nộp phần lớn vào ngân sách Nhà nước, phí điều hành bay qua vẫn chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của VATM, với tỷ lệ xấp xỉ 40 đến 50%. Dự kiến năm nay, doanh nghiệp sẽ nộp vào ngân sách 1.660 tỷ đồng. VATM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa con số nộp ngân sách lên 2.576 tỷ đồng. 

So với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của VATM cao vượt trội. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp này năm 2013 là 22%, so với tỷ lệ 0,28% của Vietnam Airlines. 

khong-luu-7942-1417163478.jpg

Phối cảnh Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội, đặt tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên, với tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng, dự kiến sẽ được chính thức khai thác từ tháng 1/2015. 

Trong lĩnh vực đầu tư, trong giai đoạn 2010 – 2013, VATM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều đài kiểm soát không lưu tại các cảng hàng không Liên Khương, Phú Quốc, Cần Thơ, Nội Bài, cộng thêm Trạm radar sơ cấp – thứ cấp Tân Sơn Nhất, Bộ Converter FPL 2012 cho hệ thống ATM Hồ Chí Minh, hệ thống Huấn luyện giả định không lưu (Visual Simulator) cho Công ty QLB miền Nam…

Tuy nhiên, có một số công trình lớn bị chậm tiến độ như Dự án Đài kiểm soát không lưu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, với công nghệ hiện đại nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Khởi công từ ngày 5/12/2009, dự án hơn 400 tỷ đồng này dự kiến hoàn thành vào 05/12/2012 nhưng đến tháng 6/2013 mới chính thức đưa vào khai thác. 

Đầu năm tới, VATM cũng sẽ đưa công trình Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội) vào sử dụng. Công trình này có tổng mức đầu tư trên 750 tỷ đồng. Trong sự cố mất điện dẫn đến mất quyền kiểm soát không lưu trong vùng thông báo bay TP HCM ngày 20/11 vừa qua, Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng cũng đã được trưng dụng để kiểm soát bay cho khu vực phía nam. Cho đến nay, cơ quan quản lý chưa thống kê được thiệt hại về mặt kinh tế của sự cố. Dự kiến các hãng hàng không có thể mất cả tỷ đồng sau lần mất điện hy hữu này. 

Thanh Bình

Trả lời

0913.756.339