Nỗi lo nhà thu nhập thấp ngày càng xuống cấp

Khu nhà ở TNT Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) bị thấm, dột khi trời mưa.

Nhếch nhác Tại khu nhà ở xã hội phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội), hàng loạt các quầy, sạp hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tự phát được người dân dựng cột, căng bạt và trưng bày sản phẩm. Kế đó không xa, bốn năm ô đất, mỗi ô rộng hàng nghìn m 2 đang được quây lô, bỏ hoang hoặc đang được đào bới khiến cát vữa rơi vãi đầy đường, gây nguy hiểm đối với các phương tiện qua lại. Không giấu được vẻ thất vọng, bác Trần Quốc Chung, trú tại tòa nhà CT5 bức xúc: Gia đình chuyển đến sinh sống được gần hai năm, chứng kiến không biết bao nhiêu thứ thay đổi. Từ lúc còn hoang sơ, nay lượng người đến ngày một đông. Sự gia tăng nhà cửa, dân số đồng nghĩa với sức ép do ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị bị thu hẹp. Chỉ tay về phía các lều lán rách nát, lụp xụp đối diện tòa nhà CT5, CT6, bác Chung nhấn mạnh, các quầy hàng bán sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân là tốt, nhưng phải có sự quản lý bài bản, không thể để tự phát.

Sau khi buôn bán, rác thải bừa bãi, xâm hại cuộc sống, sức khỏe của người dân. Đó là “bề nổi”, còn vấn đề chính, đáng lo ngại hiện nay là chất lượng công trình ở đây xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù người dân đã phản ánh nhiều lần tới ban quản lý chung cư, nhưng những bức xúc của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Chị Nguyễn Thu Hằng, trú tại tầng 19, CT6 khẳng định: Chất lượng nhà ở rất kém. Ngay khi mới nhận nhà (đầu năm 2013), gia đình đã phát hiện những vết nứt ở trần và tường. Đặc biệt, trần nhà vệ sinh bị thấm dột do nước từ tầng thượng ngấm xuống. Phía Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai, đơn vị chủ đầu tư tòa nhà đã cho người xuống sửa đến lần thứ tư, nhưng tình trạng này chưa thể khắc phục. Ngay cả hệ thống cửa kính cũng có vấn đề, nhất là những nhà ở phía hướng tây, mỗi khi mưa to, nước tràn qua khe cửa kính, chảy vào sàn nhà. Người dân tự khắc phục bằng cách lấy giẻ bịt khe kính, nhiều nhà còn xây tường con kiến để phòng tránh nhưng cũng chỉ đối phó với mưa nhỏ còn hôm trời mưa to, gió bão thì chỉ còn nước mang giẻ và xô chậu để thấm và vắt nước, anh Đỗ Quốc Tuấn, cùng trú tại tầng 19 bức xúc.

Được biết, khi ký hợp đồng mua nhà, các hộ dân phải nộp tỷ lệ 2% trên giá trị hợp đồng phí bảo trì chung cư, nhưng, chất lượng tòa nhà vẫn xuống cấp, trong khi chất lượng dịch vụ cũng chẳng được cải thiện. Chị Nguyễn Thu Hằng cho biết, mức phí dịch vụ mỗi hộ dân hằng tháng phải đóng là 170 nghìn đồng, tiền điện, nước, gửi xe máy, xe đạp đóng riêng, nhưng không hiểu sao, các thang máy bị hỏng liên tục, có hôm cửa thang máy còn bị đổ xô không rõ nguyên nhân. Tệ hại hơn, một số lần thang máy đang di chuyển thì dừng đột ngột. Rõ ràng, mức thu phí bảo trì còn cao hơn cả khu nhà ở thương mại, nhưng chất lượng thì quá kém. Trưởng ban Quản trị tòa nhà Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần, nhưng không hiểu vì lý do gì, chủ đầu tư cứ khất lần khất lượt chưa xuống sửa chữa. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với chủ đầu tư, bàn giao hồ sơ, mặt bằng, quỹ bảo trì để biết, giám sát, cùng phối hợp giải quyết các bức xúc của người dân.

Chính quyền địa phương cần tích cực vào cuộc Trưởng ban Quản lý chung cư (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai) Trần Văn Thủy cho biết, những thông tin phản ánh về tình trạng chất lượng nhà xuống cấp là có. Ban đã tiếp nhận, báo cáo công ty để lên các phương án khắc phục, sửa chữa. Những trường hợp bị nước tràn qua khe cửa kính, có thể là do hướng gió, nhất là những hôm mưa bão to mới xảy ra. Để khắc phục, công ty đã xử lý chống thấm, sắp tới làm mái che hai tầng trên. Tuy nhiên, công ty còn phải lên danh sách, lập dự toán và thực hiện thi công. Sau đó phải đợi có những đợt mưa to gió lớn mới có thể nghiệm thu chất lượng. Đây là việc về lâu dài, không thể giải quyết ngày một, ngày hai là xong.

Phó Trưởng phòng Kinh doanh khai thác (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai) Vũ Quang Huy khẳng định, chất lượng khung nhôm kính của chung cư, công ty làm hoàn toàn đạt chất lượng, thậm chí ngang ngửa đối với khung nhôm kính thuộc loại khá của các nhà ở thương mại. Tuy nhiên, độ bền sẽ có sự dao động do tác động của các yếu tố thời tiết. Công ty sẽ kiểm tra, xử lý và khắc phục các sự cố trong thời gian sớm nhất. Cũng theo ông Huy, quỹ bảo trì hiện tại công ty đang quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Vừa rồi các tòa nhà đã bầu ra ban quản trị, công ty sẽ họp, thông báo công khai, minh bạch về quỹ này để phối hợp, giám sát và sử dụng sao cho hiệu quả.

Hiện nay, các điều luật, quy định liên quan phát triển nhà ở xã hội từ khâu lập quy hoạch đến vận hành, sử dụng tòa nhà đã được ban hành khá đầy đủ. Như thời hạn thành lập ban quản trị tòa nhà chung cư là sau 12 tháng, khi công trình đưa vào sử dụng, sau đó được chính quyền địa phương ra quyết định thành lập và công nhận, do vậy, để xảy ra việc chậm thành lập ban quản trị tòa nhà thuộc trách nhiệm của địa phương. Hơn nữa, công tác thanh, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội cần được các địa phương tăng cường, nhất là các khâu xét duyệt đối tượng được hưởng thụ, chất lượng công trình, cảnh quan sinh hoạt…

Hiện nay, vẫn còn nhiều dự án chung cư nói chung, nhà ở xã hội nói riêng chưa thành lập được ban quản trị tòa nhà. Những dự án có sự tham gia của chủ đầu tư trong ban quản trị tòa nhà sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Vợ chồng anh Dũng, chị Nguyệt đang sinh sống tại khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, ban quản trị tòa nhà thuộc Tổng Công ty Viglacera, đơn vị làm chủ đầu tư dự án này. Mức thu phí sinh hoạt 2.000 đồng/m 2 /tháng phù hợp mức thu nhập chung của người dân. Việc sử dụng quỹ bảo trì 2% được công khai, minh bạch trên bảng thông báo chung của tòa nhà, do vậy không nảy sinh vấn đề bức xúc. Trong khi đó, theo chị Nguyễn Hương sống tại khu nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội, Ban quản trị tòa nhà không có sự tham gia của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai, do vậy mỗi lần xảy ra hỏng hóc, sự cố đều rất lúng túng, thời gian khắc phục kéo dài.

Hoàng ANh – Xuân Thủy (Nhân Dân)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0913.756.339