Navigos Search: Lương thưởng lãnh đạo ngân hàng vẫn cao nhất

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết, lương, thưởng nhân sự cấp cao ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… vẫn thuộc nhóm cao nhất trong năm 2014. Trong khi đó, xu hướng biến động nhân sự ở khu vực bán lẻ vẫn được dự báo tiếp tục trong năm 2015. 

– Thưa bà, trong bối cảnh kinh tế năm 2014 ổn định hơn, một số ngành có dấu hiệu phục hồi thì bức tranh nhân sự cấp cao có điểm gì đáng chú ý so với những năm trước?

Mảng sản xuất, bao gồm các ngành điện, điện tử, dệt may… là điểm sáng trong tuyển dụng 2014. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng trong mảng này năm 2014 đã tăng trưởng gần 150% so với 2013. Trong năm qua, có nhiều dự án rất lớn của các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực điện thoại thông minh, kèm theo đó là các nhà cung cấp của họ đã dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tăng cao.

Ngoài ra, mảng ngân hàng – tài chính trong năm 2014 cũng đã bắt đầu có sự khởi sắc. Đặc biệt, các yêu cầu về tuyển dụng trong mảng chứng khoán đã quay trở lại sau năm 2013 gần như đóng băng.

Mrs-Van-Anh-500.jpg

Bà Vân Anh cho biết các ngành sản xuất có nhu cầu tuyển dụng lớn trong năm 2014. 

– Nhân sự cấp cao ở những ngành tài chính, chứng khoán, bất động sản… cách đây vài năm được đánh giá rất cao về lương thưởng. Điều này có gì thay đổi trong năm nay, thưa bà?

– Không thể so sánh mức lương và thưởng trong những lĩnh vực này với cùng kỳ những năm thị trường phát triển khả quan. Tuy nhiên, nhìn chung trên thị trường lao động thì nhân sự cấp cao thuộc những ngành kể trên lương vẫn luôn thuộc top cao nhất và rất hấp dẫn so với các ngành khác. Ở một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn, với vị trí Giám đốc khối, lương đã ở mức khoảng 10.000 USD mỗi tháng, dành cho người Việt Nam. 

Còn đối với các vị trí tương đương do người nước ngoài đảm nhiệm thì mức lương còn cao hơn, chưa kể đến các chi phí khác như chi phí học hành của con cái, bảo hiểm y tế, chi phí đi lại, chi phí nhà cửa dành cho các chuyên gia người nước ngoài…

– Nhân sự cấp cao ngành nào có nhiều xáo trộn nhất trong năm 2014?

Chúng tôi nhận thấy nhân sự trong ngành bán lẻ có sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất trong năm qua. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, cả nội địa và nước ngoài đổ bộ vào lĩnh vực này, không loại trừ cả những vụ mua bán và sáp nhập rất lớn cũng đã diễn ra. 

Các doanh nghiệp mới đã và đang tìm cách đưa ra mức thu nhập hoặc chính sách lương, thưởng, chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân sự của các công ty đối thủ. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng các đơn vị cũ phải có các giải pháp giữ chân nhân viên. 

– Bà nhận định ra sao về nhu cầu nhân sự cấp cao đối với ngành bán lẻ trong năm tới? 

Tôi cho rằng, việc cạnh tranh về nhu cầu nhân sự cấp cao đối với ngành bán lẻ trong năm 2015 tiếp tục gắt gao. Theo đó, người lao động được hưởng lợi khi được các công ty đưa ra mức lương thưởng, chế độ đãi ngộ tốt hơn. 

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang thiếu hụt nhân sự cấp cao trong ngành này. Do vậy, nhân sự lĩnh vực bán lẻ có khả năng rơi vào vòng lẩn quẩn, chuyển dịch từ doanh nghiệp này sang đơn vị khác, vì thực tế những nhân tố mới không có nhiều.  

– Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia đầu tư tại Việt Nam ngày càng tăng. Điều đó, theo bà sẽ có tác động như thế nào đối với nhân sự trong ngành này vào thời gian tới? 

– Trong năm qua, các doanh nghiệp IT chính hãng, theo quan sát của chúng tôi không tăng về số lượng tuyển dụng, thậm chí còn cắt giảm những bộ phận không đem lại lợi nhuận như mong muốn. Đối với các doanh nghiệp này, họ tập trung tuyển bộ phận sales và marketing cho nhóm khách hàng chủ yếu của họ là ngân hàng và khối Chính phủ. Còn đối với đội ngũ kỹ thuật, họ có nhu cầu lớn trong mảng điện toán đám mây.

Loại hình thứ 2 là đơn vị FDI liên quan đến ngành IT là các doanh nghiệp phát triển phần mềm, vốn rất phát triển tại Việt Nam. Nhân sự về mảng này tại Việt Nam tương đối dồi dào, chất lượng tốt và chi phí nhân công lại thấp. Các doanh nghiệp đó đang mở rộng đầu tư, vì thế vẫn có nhu cầu lớn trong vài năm tới

– Yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng trong lĩnh vực này có gì thay đổi so với thời gian trước? 

– Theo đánh giá của chúng tôi, các yêu cầu về tuyển dụng trong lĩnh vực này sẽ không có gì thay đổi đột biến do tính chất nghề nghiệp. Chúng tôi không có khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự làm việc trong lĩnh vực ngôn ngữ lập trình.

Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp phát triển phần mềm có nguồn gốc tại châu Á, ngoài việc nắm vững ngôn ngữ lập trình, họ sẽ đòi hỏi các lập trình viên phải thành thạo ngoại ngữ thuộc những nước châu Á đó, như tiếng Hàn, tiếng Nhật. Yêu cầu này tương đối khó khăn đối với các lập trình viên là người Việt Nam, vì họ có thể sử dụng được tiếng Anh, nhưng không phải lúc nào cũng có thể sử dụng tiếng Hàn hay tiếng Nhật. 

Ngọc Tuyên

Trả lời

0913.756.339