Hy Lạp rút khỏi eurozone sẽ hệt như Lehman Brothers sụp đổ

Cả thế giới đang dồn sự chú ý vào ngày 25/1- thời điểm bầu cử tại Hy Lạp. Nếu đảng đối lập – Syriza chiến thắng, Hy Lạp có thể vỡ nợ và phải rời eurozone. Lãnh đạo Syriza – Alexis Tsipras tuyên bố đảng của ông sẽ chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng do Đức khởi xướng và Hy Lạp sẽ tái cơ cấu nợ công.

Barry Eichengreen, nhà sử gia kinh tế tại Đại học California cho rằng nếu chính phủ mới của Hy Lạp quyết định rời khỏi khu vực đồng euro, điều này sẽ gây ra sự bất ổn nghiêm trọng trong thị trường tài chính. Thậm chí các diễn biến tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn so với những ảnh hưởng từ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008.

grexit-3697-1420608937.jpg

Nguy cơ Hy Lạp rời eurozone đang đến rất gần. Ảnh: Investment Europe

MarketWatch cho biết trong hội nghị đầu tuần này thảo luận về cuộc khủng hoảng đồng euro tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội kinh tế Mỹ, Eichengreen nhận định sự rút lui của Hy Lạp có thể sẽ khơi mào làn sóng rút vốn hàng loạt khỏi các ngân hàng và chứng khoán nước này. Tình hình sẽ kết thúc bằng việc các biện pháp kiểm soát vốn khắt khe được đưa vào áp dụng. Sự rút lui cũng có thể ảnh hưởng đến các nước khác khi nhà đầu tư bắt đầu dự đoán quốc gia nào kế tiếp sẽ rời khỏi liên minh tiền tệ.

“Trong ngắn hạn, tình hình có thể sẽ tương tự như những ảnh hưởng mà Lehman Brothers gây ra,” Eichengreen cảnh báo. Ông dự đoán các chính trị gia châu Âu sẽ phải đối mặt với khó khăn thêm một lần nữa và thực hiện các thỏa hiệp cần thiết để giữ chân Hy Lạp. “Đối với các chính trị gia, duy trì khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu rất tốn kém, khó khăn và thậm chí sẽ gây tổn thương, nhưng phá vỡ nó sẽ còn tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều”, ông nói.

Nhìn chung, hội đồng gồm 4 nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ tỏ ra bi quan về triển vọng của dự án liên quan tới đồng tiền chung. Jeffrey Frankel, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, cho rằng các nhà đầu tư toàn cầu đã quay trở lại thị trường châu Âu trong những năm qua do cuộc khủng hoảng euro có dấu hiệu lắng xuống. Nhưng thời kỳ bất ổn trong khu vực có vẻ đang lặp lại và chênh lệch giá trái phiếu chính phủ các quốc gia châu Âu có thể sẽ tăng lên.

Kenneth Rogoff, cựu kinh tế trưởng tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) kiêm giáo sư đại học Harvard, nhận định đồng euro “là một thảm họa lịch sử”. Nhưng “Điều này không có nghĩa là nó dễ dàng sụp đổ”, ông nói.

Martin Feldstein, người luôn chỉ trích đồng euro thì cho biết tất cả nỗ lực nhằm khôi phục sự phát triển của châu Âu đã thất bại. “Tôi nghĩ rằng đã hết cách để chấm dứt cuộc khủng hoảng đồng euro”, Feldstein nhận định.

Các lựa chọn đang được thảo luận để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này, bao gồm tung ra chương trình nới lỏng định lượng quy mô đầy đủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). “Theo đánh giá của tôi, chương trình này khó có thể thành công thêm được nữa”, Feldstein phát biểu.

Ông cho rằng cách tốt nhất để đảm bảo sự tồn tại của đồng euro là cho phép các nước thành viên khu vực đồng euro ban hành chính sách thuế của riêng mình nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng trong 5 năm tới để khuyến khích người dân tăng chi tiêu.

Quân Tạ

Trả lời

0913.756.339