Đối tác nội muốn mua lại Vinamotor

Chưa đầy một tháng kể từ ngày Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor), Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển (Sacom) đã chính thức ngỏ lời với Bộ Giao thông vận tải về việc mua lại tất cả cổ phần của Nhà nước tại đây.

Cụ thể, Sacom cho biết sẵn sàng chi ra hơn 855 tỷ đồng để mua một lần trên 85 triệu cổ phần tại Vinamotor mà Bộ Giao thông vận tải đang nắm giữ, với giá mỗi cổ phần 10.000 đồng. Tỷ lệ này tương đương với 97,7% vốn điều lệ mà Nhà nước còn sở hữu sau khi ông lớn ngành ôtô quốc doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ hơn nửa năm trước.

CNGVi-6830-1422357763.jpg

Vinamotor là doanh nghiệp lớn nhất của khối ôtô quốc doanh, với sản phẩm chính là xe khách, xe buýt Ảnh:Vinamotor

Là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, song Sacom (mã chứng khoáng SAM) vẫn là một cái tên khá xa lạ với ngành ôtô hay trong giới vận tải. Trong khi lĩnh vực hoạt động chính của Vinamotor là cơ khí truyền thống, sản xuất phụ tùng và lắp ráp, sửa chữa ô tô, máy thi công với sản phẩm chủ yếu là các loại ôtô chở khách, ôtô tải thì Sacom là công ty chuyên sản xuất dây cáp đồng, cáp quang, dây điện từ.

Xét về quy mô doanh nghiệp, Sacom cũng không lớn hơn Vinamotor là bao. Trong văn bản gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng tuần trước, lãnh đạo Sacom cho biết tính đến cuối tháng 9/2014, công ty có vốn điều lệ trên 1.300 tỷ đồng với lợi nhuận trên 100 tỷ.

Dù đại diện Sacom tỏ ra rất tự tin khi khẳng định “đưa Vinamotor trở thành đơn vị kinh doanh hiệu quả” nếu đề xuất mua lại doanh nghiệp này được lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, song các chuyên gia lại tỏ ra khá ngạc nhiên với cuộc “hôn nhân” này.

Thực tế, trong đợt IPO hồi tháng 3 năm ngoái, dù tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lên đến 51% – một con số mà lãnh đạo Vinamotor khi ấy cho rằng “táo bạo”, nhưng cũng không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Kết thúc phiên đấu giá lần đầu, Tổng công ty chỉ bán chưa tới 10% trong số 51 triệu cổ phần chào bán.

“Có lẽ sức hấp dẫn của Vinamotor trong thương vụ này lại nằm ở một số công ty thành viên có đất đai, nhà xưởng rộng lớn như Cơ khí 3/2, Ngô Gia Tự hay Công ty cổ phần ôtô 1/5 mà công ty mẹ vẫn giữ cổ phần chi phối”, một chuyên gia bày tỏ.

Vị này dẫn chứng, tại đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 5/2014, Vinamotor khá dè đặt khi mục tiêu doanh thu đề ra trong năm chỉ đạt chưa tới 400 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt 11 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trong năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần của Vinamotor chỉ đạt khoảng 1,26%. Trong hai năm trước, lợi nhuận của Tổng công ty cũng chỉ vài tỷ đồng mỗi năm.

Trong một trao đổi với VnExpress mới đây, dù không tiết lộ chi tiết một cái tên nào, song lãnh đạo Vinamotor nói rằng đang tiếp xúc với nhiều đối tác để thoái vốn, trong đó có cả nhà đầu tư ngoại hoạt động trong lĩnh vực ôtô.

Lãnh đạo Vinamotor cũng không đưa ra bình luận nào về đối tác Sacom mà chỉ thông tin doanh nghiệp đã chọn xong đơn vị tư vấn để thực hiện thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Theo đó, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội là đơn vị vừa được Vinamotor kiến nghị Bộ chủ quản phê duyệt để tư vấn, triển khai các bước tiếp theo cho quá trình này.

Chí Hiếu

0913.756.339