Đại dự án tại tỉnh Bình Dương: Thu hồi đất rồi… bỏ hoang!

Một khu đất bị bỏ hoang trong Dự án Khu liên hợp Bình Dương, người dân thả bò vào ăn cỏ
Chưa có quyết định của Thủ tướng vẫn thu hồi đất
Dự án Khu liên hợp Công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương (gọi tắt là Khu liên hợp) có diện tích lên đến khoảng 4.196 ha, thuộc một phần các xã Định Hòa, Phú Mỹ (thị xã Thủ Dầu Một); Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh (huyện Tân Uyên) và xã Hòa Lợi (huyện Bến Cát) gồm các chức năng: Khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị, khu tái định cư do UBND tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, sau đó “chuyển giao” cho Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bình Dương (viết tắt là Becamex) thực hiện. Dự án này là không chỉ khiến nhiều người dân khốn khổ mà trong quá trình triển khai còn làm trái nhiều quy định.
Ngày 19-3-2002, Thủ tướng Chính phủ có công văn chấp thuận đề án Khu liên hợp này. Sau đó, UBND tỉnh Bình Dương liền ban hành quyết định thành lập Ban bồi thường cho dự án, quyết định bồi thường về thiệt hại về đất và tài sản trên công trình của dự án; quyết định phê duyệt địa điểm, ranh giới của dự án. Ngày 4-6-2004, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án. Từ ngày 20-10-2004 đến ngày 5-5-2005 chính quyền tỉnh Bình Dương ra hàng loạt quyết định thu hồi đất của người dân đang sử dụng nằm trong khu quy hoạch để giao cho Ban quản lý dự án Khu liên hợp thực hiện. Tuy nhiên, đến ngày 1- 9-2005 (tức 3 năm tính từ ngày 10-9-2002, ngày Thủ tướng chấp thuận cho dự án này), Thủ tướng mới ký quyết định phê duyệt dự án.
Sau khi người dân khiếu nại những việc làm trái luật của dự án này, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra vụ việc. Kết luận của Thanh tra chính phủ (ngày 26-11-2008) thể hiện rõ: “Trên thực tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã bắt đầu triển khai công tác đền bù, giải tỏa từ cuối năm 2003”; “Đến thời điểm Thủ tướng có Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 1-9-2005 phê duyệt “Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị Bình Dương” thì việc giải tỏa, bồi thường đã thực hiện được 85% diện tích quy hoạch”.
Khốn khổ vì bị áp giá đất theo quy định lỗi thời!
Việc áp giá bồi thường khi thực hiện dự án này được thực hiện theo quyết định số 164/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh Bình Dương ngày 23-6-2003 đều căn cứ vào Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 24-4-1998 đã bị hết hiệu lực thi hành từ năm 2004 trong khi trên thực tế việc đền bù được thực hiện vào năm 2009. Lẽ ra khi có phê duyệt của Thủ tướng vào năm 2005, thì việc áp giá bồi thường phải thực hiện theo quy định mới là Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ban hành ngày 3-12-2004 quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Nghị định này, tại khoản 1, điều 9 nêu rõ về trường hợp đền bù giá đất như sau: “Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ… Việc tính giá bồi thường đất ở dự án này rất rẻ mạt. Nhiều người dân cho biết giá đất họ được đền bù là 30.000 đồng/m2, sau khi khiếu kiện, giá bồi thường được nâng lên hơn 60.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở tỉnh Bình Dương theo thị trường vào thời điểm đó là 27 triệu đồng/m2; giá đất tại dự này này được bán với giá 5 triệu đồng/m2.
Đã hơn 10 năm, kể từ khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng, dự án vẫn còn bị bỏ hoang nhiều vì dân không thể nhận bồi thường. Nhiều hộ dân bị nằm trong quy hoạch rơi vào tình trạng sống lay lắt qua ngày bằng những công việc tạm bợ vì không có đất sản xuất. Họ khiếu kiện nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Đơn cử như ông Thái Văn Dậu, năm nay 88 tuổi, có hơn 1ha đất trồng nhãn bị quy hoạch vào Khu liên hợp trên. Giờ hằng ngày ông phải đi cắt cỏ kiếm sống. Ông Lê Văn Phước, có con là liệt sĩ, nhà ở xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có 1ha đất bị cưỡng chế giao đất cho công ty. Gia đình ông Phước có ba căn nhà, một căn nhà tình nghĩa của ông, một căn của con ông là Lê Văn Bửng và cháu nội bị phá tan hoang từ ngày cưỡng chế. Cả gia đình ông Phước phải che lều ở tạm, ngày ông qua đời, không có nhà để làm đám tang, phải chịu cảnh mưa dột. Ông Võ Văn Tấn, 81 tuổi, có 2 ha đất bị cưỡng chế, đến nay nhà cửa cũng không còn, phải sống tạm trong ngôi nhà bỏ hoang. Ông Tấn phải tìm từng cái măng tre để bán lấy tiền sống qua ngày. Gia đình bà Nguyễn Thị Rẻ và ông Phan Văn Tác ở khu phố 3, phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có 4 ha cao su và căn nhà 200m2 bị thu hồi đất khiến gia đình bà trắng tay phải dựng lều ở ngay trên đất của mình bị thu hồi. Nhà của hai con bà Rẻ cũng bị san ủi…

Rõ ràng, tại đại dự án này, chính quyền tỉnh Bình Dương vội vã thu hồi đất khiến người dân rơi vào cảnh sống khốn khổ, đất bị thu hồi giao cho nhà đầu tư nhiều nơi bị bỏ hoang, cỏ cây um tùm mọc hoang hóa. Trong khi đó, thỏa thuận bồi thường với nhiều người dân vẫn chưa xong, và đến nay nhiều người nghèo khó vẫn đội đơn gõ cửa các cơ quan công quyền.

Nguyễn Thịnh (Đại đoàn kết)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339