CBRE: ‘Giá dầu và lãi suất giảm có lợi cho bán lẻ Việt Nam’

CBRE vừa công bố báo cáo cập nhật thị trường bán lẻ trong 12 tháng qua và đưa ra dự báo những xu hướng mới trong năm 2015. Theo ông Richard Leech, giá dầu hạ dẫn đến việc chi phí vận chuyển thấp hơn, do đó giá bán của hàng hóa sẽ giảm. Trong năm qua giá dầu và lãi suất giảm đã góp phần đáng kể kích thích tiêu dùng và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm Ất Mùi. Doanh thu của ngành bán lẻ và dịch vụ tính đến cuối năm 2014 đã lên đến gần 3 triệu tỷ đồng.

Lãnh đạo CBRE Việt Nam dự báo nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại cả hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM tiếp tục tăng trong năm 2015. Cuối năm 2014, Hà Nội có khoảng 900.000 m2 diện tích bán lẻ chính thức (trung tâm thương mại), trong khi tại TP HCM là 600.000 m2. Xét về số lượng và diện tích bán lẻ của các dự án chính, cả hai đô thị này sẽ đủ sức cạnh tranh các nước láng giềng trong khu vực. Hà Nội ở vị trí thứ 7, hầu hết các thành phố khác xếp trước Hà Nội đều ở Trung Quốc. Riêng TP HCM dự kiến sẽ có ít nhất 5 dự án mới trong năm 2015.

Ông Leech cũng lưu ý tuyến tàu điện ngầm số một đang được xây dựng sẽ liên kết với nhiều khu mua sắm tại TP HCM và khu vực trung tâm quận 2, có thể mở ra xu hướng kinh doanh mới cho ngành này. “Trong tương lai khu trung tâm TP HCM được kỳ vọng có thể trở thành khu thương mại ngang bằng với đường Sukhumvit ở Bangkok hoặc đường Orchard nổi tiếng ở Singapore”, ông đánh giá.

a-tb-gia-dau-va-lai-suat-giam-1668-2612-

CBRE dự báo giá dầu và lãi suất giảm và xu hướng bán lẻ đáp ứng khả năng chi trả thực tế sẽ kích thích tiêu dùng tại thị trường Việt Nam năm 2015. Ảnh: H.T

Theo ông Leech, sự phát triển của những trung tâm thương mại mới đã dẫn đến  làn sóng của những thương hiệu mới xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam. Các gã khổng lồ bán lẻ đến từ Hàn Quốc và Nhật đã khai trương nhiều trung tâm mua sắm tại TP HCM, Bình Dương, Hà Nội và sẽ tiếp tục mở rộng vào năm 2015.

Ngoài các kế hoạch mở rộng mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài và địa phương tại Việt Nam vào năm 2015, một trong những xu hướng đáng chú ý nhất trong ngành bán lẻ là đáp ứng “khả năng chi trả”. Sự xuất hiện của các bazaar mới (khu mua sắm quy mô vừa và nhỏ), có hình thức như chợ hiện đại, chứa hàng trăm ki-ốt nhỏ và trung tâm thương mại miễn phí tiền thuê, siêu thị giá thấp…, tất cả đều được củng cố cho các xu hướng tiêu dùng đòi hỏi có giá trị tốt hơn.

Ngành hàng ăn uống nổi bật trong năm 2014 và sẽ tiếp tục thống trị ở các nhà phố. Lãnh đạo CBRE giải thích rằng gần 50% các yêu cầu tìm kiếm diện tích bán lẻ đều thuộc lĩnh vực này và các yêu cầu dành cho các ăn uống bình dân nhiều hơn là các nhà hàng cao cấp.

Ông Leech nhận định cạnh tranh thu hút người tiêu dùng hiện nay là một cuộc chiến khốc liệt. Người tiêu dùng ngày nay tinh tế hơn, có kiến thức hơn và có kinh nghiệm trong việc trải nghiệm những giá trị mua sắm tổng thể. Các nhà quản lý Trung tâm thương mại cần phải có một sự hiểu biết tốt về nhu cầu của những “thượng đế” này. Chẳng hạn như tận dụng các dữ liệu có thể thu thập từ các ứng dụng và thương mại điện tử, cung cấp nhiều hơn nữa các tiện nghi vui chơi giải trí có chất lượng cao và hợp tác nhiều hơn với các nhà bán lẻ.

Vũ Lê

Trả lời

0913.756.339