Các bộ trưởng nhắc nhau rút kinh nghiệm sau vụ ông Hồ Nghĩa Dũng

Thông tin nêu trên được người phát ngôn của Chính phủ đưa ra khi trả lời câu hỏi tại buổi họp báo thường kỳ chiều 30/9, xung quanh câu chuyện ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia hội đồng quản trị của một doanh nghiệp trong ngành khi vừa rời ghế Bộ trưởng Giao thông.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay vì ông Hồ Nghĩa Dũng không còn thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ nên nội dung nêu trên không được bàn đến trong phiên họp tháng 9. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay bên lề cuộc họp của Chính phủ, nhiều vị tư lệnh ngành đương chức cũng nhắc nhau rút kinh nghiệm vì đây là sai sót không đáng có, liên quan đến quy định đối với cán bộ công chức sau nghỉ hưu.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng sau khi phát hiện việc mời ông Dũng tham gia vào hội đồng quản trị là không phù hợp, Công ty Cổ phần Đèo Cả đã chủ động nhìn nhận thiếu sót “do không nắm quy định” và đã bàn bạc để cựu bộ trưởng rút lui.

Trước đó, nhiều cơ quan báo chí dẫn nguồn từ website của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết ông Hồ Nghĩa Dũng đã được “bầu vào Hội đồng quản trị” vào tháng 4/2012, tức là chỉ sau 8 tháng tính từ thời điểm nghỉ hưu. Doanh nghiệp này cũng cho biết ông Dũng đồng ý làm “cố vấn” cho dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả và đánh giá việc mời được cựu bộ trưởng là “một trong những thành công lớn” vì “trong suốt quá trình hình thành ý tưởng dự án, cũng như khi đã trình lên Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ, ông Hồ Nghĩa Dũng là người đã đồng thuận và tạo điều kiện để dự án hoàn thành các thủ tục căn cứ pháp lý.

honghiadung-bd0e4-6666-1412081032.jpg

Cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

Ít ngày sau khi báo chí đăng tải thông tin, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã ra thông báo về việc ông Hồ Nghĩa Dũng thôi chức thành viên Hội đồng Quản trị mà chỉ còn tham gia với vai trò cố vấn. Những thông tin về cựu Bộ trưởng trên trang web nội bộ cũng được gỡ bỏ.

Trong khi đó, Nghị định 102 của Chính phủ có một số nội dung quy định về thời hạn với cán bộ công chức không được tham gia dự án mà khi đương chức có trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Theo đó, thời hạn không được kinh doanh là “thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án”. Trường hợp dự án có thời hạn thực hiện trên 5 năm thì thời hạn không được kinh doanh phải “tối thiểu 36 tháng”.

Trong khi đó, ông Hồ Nghĩa Dũng tham gia Hội đồng quản trị công ty Đèo Cả chỉ 8 tháng sau ngày rời ghế Bộ trưởng và chưa đến 3 năm kể từ khi ông ký các quyết định cho doanh nghiệp làm nhà đầu tư dự án Hầm Đèo Cả.

Cụ thể, tháng10/2009 Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã ký các quyết định về việc phê duyệt Hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả – QL 1A theo hình thức BOT&BT và chỉ định nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả. Ông Dũng rời ghế Bộ trưởng tháng 8/2011 và tham gia công ty tháng 4/2012.

Chí Hiếu

0913.756.339