Bất động sản Việt đón sóng Nhật

Daibiru đã mua lại cổ phần chi phối trong công ty sở hữu tòa nhà Saigon Tower từ một quỹ đầu tư của Trung Quốc. Ảnh: Trường Nikon

Đầu tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy đã họp đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc sửa đổi một số điểm trong điều lệ của Công ty nhằm hoàn tất cam kết trong hợp đồng với đối tác Nhật Creed Group.

Trước đó, Năm bảy Bảy cho biết sẽ hợp tác với Creed Group trên tinh thần hợp đồng hợp tác đầu tư, cùng rót vốn đầu tư, cùng chia lợi nhuận ở các dự án của công ty này. Cụ thể, Creed Group sẽ đầu tư 600 tỉ đồng cho các dự án thông qua việc mua trái phiếu chuyển đổi của Năm Bảy Bảy. Ngoài City Gate Towers (quận 8), Creed Group còn ký cam kết đầu tư hợp tác phát triển 2 dự án khác là khu căn hộ cao tầng NBB Garden III (quận 8) và NBB Garden II (huyện Bình Chánh). Tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư này vào mỗi dự án là 50%. Trong đó, dự án NBB Garden III dự kiến có tổng vốn đầu tư lên đến 3.817 tỉ đồng.

Việc Năm Bảy Bảy được Creed Group rót một khoản tiền lớn cho thấy tiềm năng của Công ty. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, NCĐT không phân tích về Năm Bảy Bảy mà muốn nói đến một khía cạnh khác: sự lộ diện của các nhà đầu tư bất động sản đến từ Nhật.

Những năm qua, trong khi các nhà đầu tư châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản Việt Nam thì người Nhật dường như không mấy quan tâm. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở lại đây, trong các cuộc trả lời phỏng vấn với NCĐT về xu hướng đầu tư nước ngoài, các công ty tư vấn đầu tư bất động sản như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam, Cushman & Wakefield đều nhấn mạnh đến các nhà đầu tư Nhật. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức dự báo khi vẫn chỉ có một số ít cái tên xuất hiện.

Creed Group là một trong những cái tên mới nhất. Được thành lập tại Nhật vào năm 1996, Creed Group là một công ty chuyên đầu tư và phát triển bất động sản, đang quản lý khoảng 5 tỉ USD giá trị tài sản trên toàn thế giới. Và việc đầu tư vào Việt Nam được xem là một trong những hoạt động hiện thực hóa chiến lược mới của quỹ này.

Theo ông Muneyoshi Toshihiko, người sáng lập và Giám đốc Điều hành Creed Group, sau khi tái cấu trúc vào năm 2011, Creed định vị mình như “một nhà phát triển Nhật cung cấp chất lượng Nhật cho các quốc gia mới nổi ở châu Á”. Năm 2012, Creed đã bắt đầu một dự án phát triển nhà chung cư ở Malaysia và cũng đã thực hiện một số khoản đầu tư tại Campuchia và Myanmar vào năm 2013.

Trước khi xuất hiện thông tin Creed đầu tư vào Năm Bảy Bảy khoảng 2 tháng, Báo cáo Thị trường bất động sản Nikkei (thuộc tập đoàn truyền thông Nhật Nikkei Inc.) cho biết một tập đoàn bất động sản của Nhật là Daibiru đã hoàn tất việc mua lại tòa nhà văn phòng CornerStone với giá 61 triệu USD.CornerStone là dự án hạng A tọa lạc tại 16 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội. Đây là dự án được đầu tư bởi VIB – NGT, một liên doanh giữa Ngân hàng Quốc tế Việt Nam và Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự.

Nói về Daibiru, công ty này được thành lập vào năm 1923 tại Nhật với ngành nghề chính là đầu tư sở hữu, vận hành, quản lý, cho thuê và kinh doanh bất động sản. Và thương vụ mua lại CornerStone không phải là thương vụ đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam. Theo Báo cáo Thị trường bất động sản Nikkei, năm 2012 Daibiru cũng đã mua lại cổ phần chi phối trong công ty sở hữu tòa nhà Saigon Tower (29 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM) từ Jen Capital, một quỹ đầu tư của Tập đoàn Chiaphua (Trung Quốc). Giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.

Trước đó, cũng đã có một số cái tên Nhật rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam như Tập đoàn Tokyu, Quỹ Đầu tư EXS Capital. Năm 2009 Japan Asia Vietnam, một quỹ đầu tư bất động sản đến từ Nhật, cũng từng mua lại tòa nhà văn phòng CentrePoint (quận Phú Nhuận), nhưng sau đó đã bán lại.

Mặc dù chỉ mới xuất hiện vài cái tên nhưng có thể thấy, dường như khẩu vị của các nhà đầu tư bất động sản Nhật là mua lại các tòa nhà hiện hữu có thể khai thác ngay hoặc đầu tư tài chính vào các dự án thay vì phát triển dự án ngay từ đầu (Khu Đô thị Tokyu Binh Duong Garden City có vốn đầu tư 1,2 tỉ USD tại trung tâm thành phố mới Bình Dương (thông qua liên doanh với Becamex IDC) là dự án bất động sản nhà ở duy nhất cho đến nay mà doanh nghiệp Nhật tham gia phát triển ngay từ đầu).

Việc mua lại các dự án hiện hữu cũng không quá khó hiểu. Các nhà đầu tư Nhật đến thị trường Việt Nam muộn hơn so với các nhà đầu tư khác nên việc mua lại dự án sẽ giúp họ gia nhập thị trường nhanh hơn. “Điều này có thể giúp họ tránh được bất lợi trong khâu giải phóng mặt bằng cũng như tính phức tạp trong thủ tục cấp phép. Ngoài ra, với những dự án có dòng tiền đảm bảo, họ có thể chuyển nhượng lại và thu lợi nhuận khi có bất kỳ chuyển biến có lợi nào trên thị trường”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, nhận định.

Còn ông Timothy Horton, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, thì cho rằng: “Tại thời điểm này, phần lớn sự quan tâm của nhà đầu tư chính là vào các tài sản đang hoạt động có dòng tiền ổn định và Nhật đã thể hiện sự quan tâm này cao hơn các nước khác một chút. Điều đó được phản ánh qua các giao dịch đã và đang được ghi nhận trên thị trường.”

Ông Horton cũng nhấn mạnh làn sóng Nhật vào thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục. “Qua quá trình làm việc và tiếp xúc với các đồng nghiệp trong khu vực châu Á cũng như với các nhà đầu tư Nhật, chúng tôi nhận thấy làn sóng đầu tư từ Nhật vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong thời gian tới”, ông nói.

Nguyễn Hùng (NCĐT)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339