23 tổ chức tín dụng phải kiểm toán độc lập về nợ xấu

Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về công tác thanh tra, giám sát trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo kế hoạch năm 2014, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra pháp nhân đối với 21 đối tượng và thanh tra chuyên đề chất lượng tín dụng đối với 11 đơn vị. Đến nay, công việc này đã được hoàn thành. Đồng thời, cơ quan này yêu cầu 23 tổ chức tín dụng khác kiểm toán độc lập chất lượng tín dụng để nắm bắt đầy đủ và chính xác hơn về tình hình nợ xấu và chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện đã có 19 đơn vị thực hiện xong quá trình kiểm toán.

thanh-tra-4993-1416368186.jpg

Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện những sai phạm trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Qua đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện một số sai phạm liên quan đến phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro như phân loại sai nhóm nợ, chưa chuyển nợ quá hạn kịp thời, trích dự phòng rủi ro, gia hạn nợ chưa đúng quy định… nhằm che giấu nợ xấu. Các hành vi này đều được xử lý nghiêm, kể cả buộc phải tái cơ cấu.

Căn cứ vào những sai phạm đó, cũng có 149 quyết định xử phạt hành chính được ban hành trong 10 tháng đầu năm, tổng số tiền xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng và 900 USD.

Trước câu hỏi liên quan đến khả năng cho phá sản một số tổ chức tín dụng yếu kém trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, căn cứ vào các quy định hiện hành, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định chưa áp dụng giải pháp phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Phá sản trong giai đoạn hiện nay để bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

“Với thực tế Việt Nam hiện nay, việc phá sản tổ chức tín dụng, đặc biệt là phá sản ngân hàng là vấn đề nhạy cảm, có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia, đặc biệt là người gửi tiền, dẫn đến nguy cơ rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ dây chuyền đối với hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam”, văn bản trả lời chất vấn cho biết.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên áp dụng các giải pháp tối thiểu hóa chi phí như các ngân hàng tự củng cố dưới hình thức kêu gọi các đối tác mới tham gia hoặc tìm kiếm đối tác để thỏa thuận tự nguyện sáp nhập, hợp nhất… Trường hợp không tự cơ cấu được, Ngân hàng Nhà nước mới can thiệp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để xử lý triệt để, loại bỏ các tổ chức yếu kém ra khỏi hệ thống, trên cơ sở đánh giá tác động việc phá sản cũng như cân nhắc lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức tín dụng, người gửi tiền và xã hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu trình Chính phủ cho phép áp dụng phá sản đối với tổ chức phi ngân hàng, trong trường hợp việc phá sản này không gây ảnh hưởng lớn đến an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Phương Linh

Trả lời

0913.756.339